Công tác bán vốn nhà nước vẫn rối như tơ vò

Công tác bán vốn nhà nước vẫn rối như tơ vò

(ĐTCK) Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và Thông tư số 59/2018/TT-BTC đã ra đời để tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế bán cổ phần tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh không ít vấn đề khúc mắc, nhất là với công tác bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Lúng túng xác định giá trị doanh nghiệp

Theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm bán cổ phần tại doanh nghiệp sẽ do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.

Bên cạnh đó, giá khởi điểm bán cổ phần phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 59/2018/TT-BTC liên quan đến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê (trả tiền hàng năm) và giá trị văn hóa, lịch sử.

Trong khi đó, các giá trị này không được quy định cụ thể tại Tiêu chuẩn về thẩm định giá và/hoặc được cho rằng đã nằm trong giá trị của nhóm “Tài sản vô hình không xác định được” (dù không thể tách riêng giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm và giá trị văn hóa, lịch sử).  

Thực tế tại các doanh nghiệp, có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc tính toán nhãn hiệu, tên tuổi thương mại dẫn đến sự khác biệt trong kết quả. Hay đối với giá trị văn hóa, lịch sử, một số doanh nghiệp không có đầy đủ hồ sơ, tài liệu để làm căn cứ xác định giá trị tài sản vô hình.

Một vấn đề khác là việc tính chênh lệch tiền thuê đất (đất thuê trả tiền hàng năm) của thời hạn thuê đất còn lại sẽ theo phương pháp nào: Chiết khấu dòng chênh lệch của từng năm trong tương lai về thời điểm hiện tại hay chỉ đơn thuần cộng cơ học chênh lệch của từng năm? Đây cũng là vấn đề gây lúng túng cho các bên thực hiện bán vốn.

Mới đây, SCIC và các công ty chứng khoán đảm nhận việc tư vấn bán vốn, cũng như các công ty thẩm định giá đã ngồi lại với nhau và cùng thống nhất nguyên tắc chung trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm.

Cụ thể, “tiền thuê đất của thời hạn thuê đất còn lại tính theo giá đất tại thời điểm xác định giá chuyển nhượng” được xác định trên cơ sở xác định lại giá đất để tính tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 77/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, “tiền thuê đất tính theo giá đất tại thời điểm có hợp đồng hoặc quyết định cho thuê đất tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp” là số tiền thuê đất doanh nghiệp đang thực hiện theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chênh lệch tiền thuê đất của thời hạn thuê đất còn lại được tính theo phương pháp cộng gộp cơ học để đảm bảo phương án thận trọng (không thực hiện chiết khấu vì không có quy định cụ thể).

Trường hợp hợp đồng thuê đất của doanh nghiệp đã hết hạn nhưng chưa được ký lại hợp đồng/phụ lục hợp đồng về việc điều chỉnh thời hạn/gia hạn thời gian thuê đất và doanh nghiệp vẫn đang thực hiện nộp tiền thuê đất thì giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm sẽ được tính bằng 0 (do thời hạn thuê đất còn lại bằng 0).

Trong trường hợp cần thiết, SCIC sẽ phối hợp với tổ chức thẩm định giá, doanh nghiệp rà soát, có công văn hoặc làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng (nếu cần) để làm rõ các thông tin liên quan đến quyền thuê đất của doanh nghiệp trước khi triển khai xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. 

Phương thức bán: Rối như tơ vò

Về cơ chế chào bán cạnh tranh, hiện nay chưa có các tài liệu hướng dẫn cụ thể để thực hiện chào bán cạnh tranh dẫn đến các đơn vị tư vấn gặp lúng túng trong quá trình triển khai.

Theo đó, về quy chế đấu giá đối với trường hợp đấu giá qua công ty chứng khoán (CTCK), hiện các CTCK chưa được cập nhật mẫu quy chế này từ phía SCIC (mẫu theo Quy chế bán vốn 06 của SCIC không còn áp dụng được do đã có Nghị định 32, một số quy định đã được bổ sung, điều chỉnh).

Về quy chế đấu giá đối với trường hợp đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán, theo quy định hiện nay là theo Quy chế mẫu tại Quyết định 583, 586/QĐ-UBCK.

Tuy nhiên, CTCK nhận thấy có một số vấn đề. Đơn cử, Quy định về Hội đồng thẩm định năng lực nhà đầu tư có thể gây nên hạn chế đối tượng nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Hay nguyên tắc xác định kết quả đấu giá cũng gây băn khoăn, chẳng hạn, đối với trường hợp đấu giá cả lô, nếu theo nguyên tắc như quy định tại Quy chế mẫu 583 thì có trường hợp dẫn đến nhà đầu tư không mua được trọn lô như mong muốn ban đầu của họ. Điều này góp phần làm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư đối với phiên đấu giá hoặc Nhà nước không đảm bảo bán hết vốn như dự kiến.

Từ đầu năm đến nay, tiến độ thoái vốn nhà nước rất chậm so với kế hoạch. Bên cạnh lý do thị trường chứng khoán biến động mạnh, có thể thấy những khó khăn do triển khai áp dụng một số quy định mới về cơ chế bán vốn nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Tin bài liên quan