Công nhân, người lao động không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là đối tượng được mua nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật, đề nghị này để bảo đảm công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.
Nhiều vấn đề bất cập về chính sách nhà ở sẽ được tháo gỡ tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội (Ảnh minh hoạ).

Nhiều vấn đề bất cập về chính sách nhà ở sẽ được tháo gỡ tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội (Ảnh minh hoạ).

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, sáng 5/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình cho biết, Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi được thông qua, sẽ thay thế Luật Nhà ở năm 2014 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều; trong đó bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; Luật hóa từ Nghị định 11 điều.

Bộ trưởng cho biết, ở lần sửa đổi này, Luật Nhà ở sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 8 năm thi hành Luật Nhà ở 2014.

Ví dụ như: quy định về thẩm quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn phân tán tại Luật Nhà ở 2014 và văn bản dưới luật, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

Một số quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam còn đang tản mát tại các văn bản dưới luật nên cần thiết phải luật hóa để bảo đảm tính pháp lý trong thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Ngoài ra, các quy định liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có các tồn tại, hạn chế... đòi hỏi phải cập nhật, chỉnh lý.

Cụ thể, về sở hữu nhà ở, dự thảo Luật có một số điểm mới về quy định các điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở; quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; các loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Về chiến lược phát triển nhà ở, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành về phát triển nhà ở; phát triển nhà ở thương mại; phát triển nhà ở công vụ; phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở; yêu cầu về phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn; thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại…).

Về chính sách về nhà ở xã hội, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như sau:

- Sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NOXH); Loại hình dự án đầu tư xây dựng NOXH; Loại NOXH; Đất để xây dựng NOXH; Lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NOXH; Xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NOXH không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; Nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua NOXH.

-- Bổ sung mới các quy định (02 mục mới) về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, dự thảo Luật có một số điều chỉnh liên quan đến giao dịch về nhà ở, quản lý và sử dụng nhà chung cư, tài chính cho phát triển nhà ở, cải tạo và xây lại nhà chung cư...

Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, song đề nghị làm rõ thêm khá nhiều nội dung.

Về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài ở Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Hoàng Thanh Tùng nói, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Do đó, ông Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối với vấn đề sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, bên cạnh việc kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành về 2 hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là: có quyền sử dụng đất ở và có quyền sử dụng đất ở và đất khác, Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung 2 trường hợp mới là “có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” và “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất quy định tại các điểm a, b hoặc điểm c khoản này theo quy định của pháp luật đất đai”.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Ủy ban Pháp luật nhận thấy các nội dung mới được bổ sung nêu trên của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không thống nhất với các quy định có liên quan của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động chính sách toàn diện, thận trọng đối với các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại để quy định thống nhất nội dung này trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm tháo gỡ các vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, làm rõ tính phù hợp của quy định Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) về “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Về chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật quy định một trong những đối tượng thụ hưởng là “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa khoản này thành “công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” để bảo đảm công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (Điều 80), theo hồ sơ dự án Luật, thực tiễn thi hành cho thấy quy định này có nhiều bất cập, trong đó có việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị quy định rõ tại khoản 1 Điều 80 của dự thảo Luật việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Để bảo đảm tính minh bạch, khả thi, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 80 và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này...

Tin bài liên quan