Công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại I TP. Hải Phòng mở rộng nội thành. Ảnh: Quang Thanh

Công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại I TP. Hải Phòng mở rộng nội thành. Ảnh: Quang Thanh

Công nhận kết quả rà soát tiêu chí đô thị loại I Thành phố Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 488/ TTg-CN ngày 10/7/2024 về việc công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại 1 đối với Thành phố Hải Phòng.

Theo đó, công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại I đối với TP. Hải Phòng mở rộng nội thành gồm các quận hiện hữu (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh, Lê Chân) và toàn bộ phạm vi hành chính huyện An Dương như đề nghị của Bộ Xây dựng và UBND TP. Hải Phòng.

Phạm vi đánh giá là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hải Phòng, bao gồm 7 quận và 8 huyện, tổng diện tích 1.526,44 km2; dân số toàn đô thị khoảng 2,4 triệu người. Trong đó, khu vực nội thị có diện tích tự nhiên 369,58 km2, quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người. Khu vực ngoại thị có diện tích 1.156,86 km2, quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người.

Việc công nhận kết quả rà soát này có ý nghĩa quan trọng giúp Hải Phòng thành công giữ lại quận Hồng Bàng và đưa huyện An Dương lên quận.

Bản đồ địa giới hành chính đô thị Hải Phòng

Bản đồ địa giới hành chính đô thị Hải Phòng

Trước đó, huyện An Dương được định hướng nằm trong khu vực phát triển đô thị công nghiệp công nghệ cao, hình thành một khu dân dụng lớn và khu đào tạo, nghỉ dưỡng ở cửa ngõ TP về phía Tây, Tây Bắc. Sau nhiều năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, đến nay hệ thống mạng lưới các Khu công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

Trong giai đoạn đến năm 2025, huyện An Dương dự kiến triển khai mở rộng quy mô Khu công nghiệp Tràng Duệ, hình thành Khu công nghiệp An Hưng - Đại Bản. Sự phát triển và hoạt động mạnh mẽ của các khu công nghiệp đã tạo ra nguồn việc làm ổn định, giải quyết nguồn lao động dư thừa và thu hút nguồn lao động từ các khu vực lân cận, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Bản đồ phương án địa giới hành chính thành lập quận An Dương và các phường

Bản đồ phương án địa giới hành chính thành lập quận An Dương và các phường

Theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Đảng bộ TP và các văn bản pháp lý khác nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, TP. Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I và huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Đối với quận Hồng Bàng, đây là quận trung tâm của TP. Hải Phòng. Đây cũng là cửa ngõ giao thông đường thủy, sắt, bộ của thành phố, nối liền với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh tạo thành khu tam giác phát triển kinh tế “Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh” phía Bắc Việt Nam đã được Chính phủ quy hoạch.

Vị trí địa lý đặc thù của quận thuận lợi cho phát triển kinh tế dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, viễn thông công nghệ thông tin, phát triển các ngành công nghiệp, có công nghệ kỹ thuật cao như công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, luyện, cán thép, sản xuất cáp ngầm điện cao thế, hoá chất...

Theo quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 và được được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì, tiêu chuẩn của quận sẽ có dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích 35 km2 trở lên, số phường trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên.

Bản đồ địa giới hành chính dự kiến mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp, thành lập các phường thuộc quận

Bản đồ địa giới hành chính dự kiến mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp, thành lập các phường thuộc quận

Với tiêu chuẩn này, quận Hồng Bàng hiện không bảo đảm về dân số, diện tích và số đơn vị hành chính trực thuộc. Chính vì vậy, việc mở rộng nội thị là điều tất yếu đối với một Thành phố có tiềm năng và lợi thế phát triển lớn như Hải Phòng. Sau khi được mở rộng (sáp nhập 3 xã: Đại Bản, An Hồng, An Hưng từ huyện An Dương) thì quận Hồng Bàng có 10 phường trực thuộc; diện tích quận tăng từ 14,42 km² lên 39,85 km², gấp gần 3 lần; dân số tăng từ 126.000 người lên khoảng 177.000 người, gấp 1,4 lần (đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đơn vị hành chính quận và phường theo quy định).

Quận sẽ xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng theo tầm nhìn mới, bổ sung phân bố lại không gian theo hướng cân bằng, sinh thái bền vững. Các phường mới được thành lập sẽ nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành, đồng thời thu hút các nhà đầu tư tiếp cận môi trường mới, tạo điều kiện hình thành các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị. Từ đó tạo lập các cộng đồng dân cư, việc làm cho người lao động, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và UBND TP. Hải Phòng chịu trách nhiệm toàn bộ về các nội dung, số liệu, thông tin, trình tự, thủ tục của hồ sơ báo cáo kết quả rà soát phân loại đô thị TP. Hải Phòng, mở rộng nội thành sang địa bàn huyện An Dương theo tiêu chí đô thị loại I nêu trên bảo đảm đúng các quy định.

Tin bài liên quan