Ào ạt nhập khẩu
Theo Báo cáo Đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển của Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-10%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 65-70% của các nước trong khu vực và con số 80% ở Thái Lan.
Bình luận về thực tế trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với các doanh nghiệp ô tô có vốn FDI, việc gì có lợi là họ làm. “Nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ô tô đã được hưởng nhiều ưu đãi trong thời gian qua, nhưng nền công nghiệp ô tô Việt Nam dựa trên trụ cột là các doanh nghiệp FDI chỉ mất, chứ không hề được”, ông Long nhận xét.
Trước thực tế chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN trong năm 2017, chuẩn bị cho đà đổ bộ từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực này về 0%, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng, việc ngừng sản xuất, lắp ráp chuyển qua nhập khẩu là bước đi bắt buộc của các doanh nghiệp FDI.
Nền công nghiệp ô tô Việt Nam dựa trên trụ cột là các doanh nghiệp FDI chỉ mất, chứ không hề được.
- Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
“Khi không còn ưu đãi về chính sách, các hãng không dại gì đầu tư ở Việt Nam. Thay vào đó họ đầu tư mở rộng sản xuất ở những nước có nền công nghiệp ô tô và phụ trợ phát triển như Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ”, ông Đồng nhận xét.
Trên thực tế, nếu không có “chốt hãm” là Nghị định 116/2017/NĐ-CP, thì ngay từ đầu năm 2018, dòng xe nước ngoài đã đổ bộ ào ạt vào Việt Nam. Trước đó, tại các khu vực cảng biển quốc tế được làm thủ tục nhập khẩu ô tô, vài nghìn chiếc xe đã được cập cảng Việt Nam, nhưng kiên quyết không làm thủ tục nhập khẩu để chờ ngày thuế từ ASEAN về 0%.
Chỉ tới 2 ngày cuối cùng của năm 2017, khi biết chắc Nghị định 116 không lùi thời hạn áp dụng và không thể lo được các giấy tờ ngay lập tức để nhập khẩu xe, các doanh nghiệp ô tô mới ào ạt mở tờ khai hải quan, chấp nhận nộp thuế ở mức 30% với xe con dưới 9 chỗ ngồi, hay 5% với xe bán tải, thay cho mức 0% từ ngày 1/1/2018.
Trao đổi với báo giới, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước khó khăn để lựa chọn có chấp thuận đề nghị của các doanh nghiệp đang muốn tăng nhập khẩu xe, bỏ giấy chứng nhận kiểu loại và một số điều kiện chặt chẽ khác hay không.
Trong cuộc họp với các cơ quan hữu trách ngày 26/2 vừa qua, không chỉ nhiều doanh nghiệp FDI thuộc Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), mà đại diện các nước Mỹ, Nhật Bản cũng “tích cực” ủng hộ việc nới các điều kiện để ô tô nhập khẩu dễ dàng tiến vào Việt Nam.
Nhận xét về thực tế “nếu Việt Nam cởi mở trong việc nhập xe, ngành công nghiệp xe hơi sẽ khó mà thành hiện thực”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, cần phải có chiến lược chắc chắn để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi trong nước, chứ không thể để doanh nghiệp nhập khẩu đưa xe ồ ạt vào Việt Nam.
Chính sách thuế là mấu chốt
Với thực tế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ đầu năm 2018 đang gặp khó, Công ty Toyota Việt Nam (TMV) đã nghiên cứu kế hoạch tái lắp ráp mẫu xe Fortuner vốn được doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia kể từ tháng 1/2017. “Nếu nhập khẩu xe thuận hơn, hãng sẽ không lắp ráp tại Việt Nam vì nhập khẩu rẻ hơn nhiều”, đại diện TMV cho hay.
Cho rằng, “mở rộng thị trường ô tô là tiền đề để xây dựng nền công nghiệp ô tô trong nước, thu hút đầu tư”, chính ông Kinoshita, Tổng giám đốc TMV cũng cho rằng, Việt Nam cần thiết lập chính sách phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước khi ngành này còn non trẻ thì mới hy vọng cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.
Theo ông Đồng, nên đưa ra quy định hãng xe ngoại lắp ráp tại Việt Nam, sản xuất những linh kiện đạt chuẩn sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng trong vòng 10 năm để kích thích đầu tư, thay vì loay hoay trong việc siết nhập khẩu như thời gian qua.
Về phía mình, Công ty Hyundai Thành Công cũng kiến nghị miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô.
“Đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh”, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho hay.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam, ngoại trừ các loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên, còn khá thấp, nên khó cho việc các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Để cải thiện tình hình này, giải pháp miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước là tối ưu.
Vinfast, cái tên đang rất được quan tâm với Dự án Ô tô thương hiệu Việt, cũng cho hay, sẽ ưu tiên mua các linh kiện, phụ kiện mà các nhà sản xuất trong nước đang làm được, đồng thời hỗ trợ, hợp tác để có thêm nhiều nhà sản xuất các linh kiện, phụ kiện tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ.