Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên nhân là do ngành công nghiệp quan trọng này không chạm được vào các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuế, tiền thuê đất.
Từ đầu năm đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng các chính sách này dường như không thấy tác dụng với ngành công nghiệp khai khoáng, thưa ông?
Đúng là các chính sách liên quan đến thuế, phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 hầu như không tác động đến ngành công nghiệp khai khoáng. Đây là một trong những lý do khiến ngành này tiếp tục chìm sâu vào khó khăn, kéo tốc độ tăng trưởng của cả ngành công nghiệp và GDP xuống.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, mặc dù Chỉ số ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2%, nhưng riêng ngành khai khoáng giảm 7%, đã làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
Không phải chỉ năm nay, mà ngành công nghiệp khai khoáng đã tăng trưởng âm trong nhiều năm trở lại đây. Chính vì vậy, ông đã nhiều lần kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung các luật thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng (GTGT) để hỗ trợ ngành này?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT (Luật số 106/2016/QH13) ngoài việc giữ nguyên sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác, còn bổ sung sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, khi xuất khẩu, mặt hàng này không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, mặt hàng này khi xuất khẩu cũng không được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu theo Luật Thuế xuất - nhập khẩu hiện hành. Tôi cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp khai khoáng liên tục tăng trưởng âm rất sâu, liên tục kể từ năm 2016.
Chính vì vậy, cần sớm có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp khai khoáng và sau đó phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung những bất hợp lý đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp này.
Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo, thưa ông, nhiều nước trên thế giới cũng hạn chế xuất khẩu thô, khuyến khích chế biến sâu. Luật Thuế GTGT quy định như trên cũng nhằm mục đích khuyến khích chế biến, hạn chế xuất khẩu thô?
Về cơ bản thì Việt Nam hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản không tái tạo. Trong khi đó, theo Luật Thuế GTGT, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thuộc đối tượng không được hoàn thuế khi xuất khẩu.
Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên không được hoàn thuế cho dự án đầu tư, mà chỉ được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án sang kỳ tiếp theo. Tức là, khi đầu tư, doanh nghiệp phải vay vốn để nộp thuế, nhưng lại không được hoàn như đối với các dự án đầu tư thông thường khác. Như vậy, rõ ràng các quy định này đã gây khó khăn thực sự cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp khai khoáng. Tôi cho rằng, khi sửa đổi toàn diện Luật Thuế GTGT, cần phải nghiên cứu lại quy định này.
Theo ông, doanh nghiệp gặp khó khăn ở điểm nào?
Việc xác định chi phí năng lượng cộng với trị giá tài nguyên, khoáng sản chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên không xác định được trong thực tế và không khả thi ngay cả đối với những doanh nghiệp trực tiếp khai thác sản xuất ra sản phẩm này, nên sản phẩm xuất khẩu không được hoàn thuế GTGT đầu vào, không được miễn thuế xuất khẩu, dự án đầu tư cũng không được hoàn thuế.
Mỗi khi cầu tài nguyên, khoáng sản trên thị trường thế giới giảm, sản phẩm khoáng sản sản xuất ra không xuất khẩu được do giá thành cao thì những bất cập kể trên bộc lộ rất rõ, đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất trên toàn cầu giảm, cầu thị trường thế giới giảm mạnh càng chứng tỏ điều đó. Thậm chí, quy định này còn không khuyến khích doanh nghiệp tận thu tài nguyên, khoáng sản, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.
Không khuyến khích ở điểm nào, thưa ông?
Cũng như tất cả các hoạt động sản xuất khác, giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng suất lao động; năng lực quản trị, điều hành; công nghệ, thiết bị, dây chuyền máy móc; cơ cấu nguồn vốn đầu tư; tiền trả lãi vay… Giả sử chi phí năng lượng và trị giá tài nguyên không đổi thì doanh nghiệp nào càng hạ được giá thành bằng cách nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành; đầu tư dây chuyền, máy móc, công nghệ hiện đại thì càng thiệt vì giá thành sản phẩm giảm xuống khiến tỷ lệ chi phí năng lượng cộng với trị giá tài nguyên sẽ tăng lên.
Chưa kể, các yếu tố cấu thành lên giá thành sản phẩm không bất biến, mà thay đổi theo thời gian, nên việc xác định giá thành để tính xem sản phẩm có được hưởng ưu đãi không rất phức tạp.