Theo ông Thắng, chính sách của Nhà nước cần có giải pháp mang tính đột phá, sát thực, đáp ứng được mong muốn của DN, như thế mới đi vào đời sống.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các linh kiện, chi tiết máy móc thiết bị cho các tập đoàn công nghệ lớn, Chủ tịch HĐQT Công ty 26/3 Hòa Bình cho biết, điểm yếu nhất hiện nay của nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là thiếu một đội ngũ các nhà sản xuất nội địa đáp ứng được các tiêu chuẩn bài bản về quy trình sản xuất, cung ứng và chất lượng đối với linh kiện, phụ tùng theo chuỗi cung cấp của các nhà cung ứng lớn. Điểm yếu nhất của DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là thiếu vốn, thiếu công nghệ và đầu tư bài bản.
“Bản thân các DN hiện nay tham gia vào lĩnh vực này phần lớn yếu về trình độ công nghệ, nhỏ bé và lạc hậu về quy mô, ít về số lượng, đặc biệt là tư duy kinh doanh đơn giản, manh mún. Trong khi đó, tiêu chí mà các tập đoàn lớn đưa ra thường rất cao, vượt xa những gì mà DN Việt Nam đang có. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thiết thực, do đó việc tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của DN nội địa hiện nay là rất khó khăn”, ông Thắng nói.
Để giải quyết vấn đề này, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ cần tập trung xây dựng những mô hình điển hình, theo đó hỗ trợ đầu tư bài bản về trang thiết bị, đào tạo công nhân, tập trung liên kết chuỗi giá trị. Các mô hình này vừa phát triển, vừa tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần, nhằm đáp ứng các tiêu chí của chuỗi cung ứng trong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
“Đi kèm với những mô hình này, cần có cơ chế đặc thù khuyến khích DN tham gia các chuỗi, trong đó tập trung hỗ trợ về vốn, công nghệ, kinh phí xúc tiến đầu tư, từ đó tạo cơ hội cho DN dần tiếp cận được với các cơ hội cung ứng cho những nhà sản xuất lớn”, ông Thắng đề xuất.
Ở góc độ khác, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc CTCP Thép Bắc Việt, Phó chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội cho hay, có một thực tế là nhiều DN Việt Nam khẳng định có thể sản xuất và cung ứng được linh kiện, phụ tùng cho các DN nước ngoài, song hầu hết các nhà sản xuất nước ngoài không sử dụng sản phẩm mà DN Việt Nam cung cấp, với lý do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
“Cần phải hiểu rằng, có 3 yếu tố chính mà các DN công nghiệp phụ trợ cần đáp ứng được, đó là chất lượng, thời gian giao hàng và giá bán. Nhìn chung, các DN nội địa chưa đáp ứng được đồng loạt 3 yếu tố này nên chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn”, ông Vương nhận định.
Theo ông Vương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần giúp DN khắc phục được 3 điểm yếu nêu trên thì mới có hy vọng để DN Việt vươn lên trở thành những nhà cung cấp thực thụ cho các DN và tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Vương đề xuất, cần có mức thuế phù hợp đối với các DN sản xuất phụ trợ để khuyến khích DN đầu tư các dự án sản xuất đạt yêu cầu của các nhà sản xuất lớn. Ngoài ra, cần sớm thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Trung ương và địa phương, đưa các doanh nhân đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực phụ trợ vào đội ngũ các chuyên gia của Trung tâm nhằm hỗ trợ, tư vấn ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển một cách thực tế, hiệu quả hơn.
Đối với cơ chế hưởng chính sách ưu đãi, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ô tô Trường Hải cho rằng, cần xem xét cụ thể việc cấp cơ chế ưu đãi cho từng đối tượng, nhằm khắc phục tình trạng nhiều nhà sản xuất linh kiện của nước ngoài tận dụng lợi thế về giá thuê đất và giá nhân công rẻ của Việt Nam để thuê địa điểm sản xuất linh kiện, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, trong khi những DN trong nước thực sự cần hỗ trợ thì lại không được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, chính sách đưa ra cần phải có sự phối kết hợp để tạo được đầu vào cho DN phụ trợ liên doanh với DN trong nước.