Dây chuyền sản xuất ô tô của Toyota Việt Nam
Phụ thuộc vào nguồn linh phụ kiện nhập khẩu
Theo thống kê của Bộ Công thương, ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Tuy nhiên, với thực tế giai đoạn ô tô hoá đang tăng nhanh, doanh số bán xe toàn ngành có khả năng chạm mốc 500.000 chiếc trong năm 2022 - mốc được gỡ bỏ mác “thị trường nhỏ”, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô ngày càng trở nên cấp thiết.
Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao.
Toyota Việt Nam cử nhân sự hỗ trợ nhà cung cấp |
Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Chính phủ đã ban hành một số chính sách về công nghiệp hỗ trợ như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, do các ngành có những vấn đề rất khác nhau, như ngành ô tô là câu chuyện sản lượng, ngành dệt may lại là vấn đề về nguyên vật liệu…, trong khi chính sách hỗ trợ lại áp dụng chung cho mọi ngành nghề, nên không giải quyết được vấn đề cụ thể của từng ngành, chưa giúp công nghiệp hỗ trợ bật lên.
Hay Nghị định số 101/2021/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung phần hỗ trợ hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư cho các nhà sản xuất linh kiện khi nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất linh kiện cho ô tô đã được ban hành từ năm 2020, nhưng không nhiều nhà cung cấp tham gia được chương trình, do thủ tục quá phức tạp và khó áp dụng. Bởi vậy, dù cả hai nghị định ra đời đều nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi đầu tư và sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng trên thực tế, không nhiều nhà cung cấp được hưởng lợi từ chính sách do những bất cập đã nêu ở trên.
Đối với ngành ô tô, Toyota Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) triển khai Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Dự án này được triển khai với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước (chưa nằm trong hệ thống nhà cung cấp của Toyota) thông qua hoạt động kết nối, đào tạo và phát triển năng lực, cải tiến hiệu quả quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo, phát triển nhân sự và quản lý sản xuất cho nhà cung cấp trong hệ thống của họ. Hoạt động này đã giúp Toyota Việt Nam nâng cao đáng kể số lượng doanh nghiệp thuần Việt trong hệ thống nhà cung cấp thuần Việt của mình.