Công nghiệp chế biến, chế tạo thể hiện vai trò dẫn dắt mới trong tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Ninh tháng 5/2024 tiếp tục tăng 11,47% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng liên tiếp trong 5 tháng đầu năm 2024.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh trong kỳ họp thường kỳ của UBND tỉnh mới đây, trong tháng 5, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ninh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt mới trong tăng trưởng kinh tế khi tăng trưởng 35,02% và ước 5 tháng tăng 36,12% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, trong đó sản lượng than ước 5 tháng đạt 18,3 triệu tấn (bằng 83,6% kịch bản tăng trưởng).

Nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Ảnh: QT

Nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Ảnh: QT

Trong chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh có 7/14 sản phẩm cơ bản đạt và vượt tiến độ kịch bản tăng trưởng. Cụ thể, Thân mũ đạt 84,3%; Loa, tai nghe đạt 86,7%; Bột mỳ các loại đạt 83,4%; Sợi bông cotton đạt 79,5%; Tấm sàn Vinil Tines đạt 84,1%; Vòng tay thông minh đạt 82,5%; Tấm silic đạt 84,7%.

Còn với sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí trong tháng 5 chỉ số này tăng 3,67%; ước 5 tháng tăng 2,01% cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất 5 tháng ước đạt 17,1 tỷ kwh, tăng 1,6% cùng kỳ, bằng 83,6% kịch bản tăng trưởng.

Theo nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024", Quảng Ninh đã đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất đạt 3 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp như: tiếp tục tập trung cải cách hành chính, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng… nhằm nắm bắt thời cơ, đón đầu, thu hút làn sóng dịch chuyển vốn FDI.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho thấy, đến ngày 27/5, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 851,95 triệu USD, bằng 77,5% kế hoạch 6 tháng đầu năm (1,1 tỷ USD), bằng 28,4% kế hoạch năm.

Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam chọn đầu tư tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà với tổng mức đầu tư 275 triệu USD. Ảnh: Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam chọn đầu tư tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà với tổng mức đầu tư 275 triệu USD. Ảnh: Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động của các dự án, thì địa phương này cũng thúc đẩy việc phát triển, thành lập doanh nghiệp. Trong tháng 5, tỉnh có 172 đơn vị thành lập mới, tăng 31,3%, với số vốn đăng ký đạt 1.185,7 tỷ đồng tăng 15% cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng, tỉnh có 743 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,1%; số vốn đăng ký đạt 9.056,8 tỷ đồng, tăng 58,9% so với cùng kỳ. Nhìn chung, số vốn đăng ký bình quân đạt 12,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tỉnh cũng có 406 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 5,2% cùng kỳ. Như vậy, hiện tại, Quảng Ninh có 11.376 doanh nghiệp đang hoạt động.

Công tác cải cách hành chính có thể thấy vẫn là điểm sáng trong hoạt động điều hành của Quảng Ninh. Trong công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 mới đây, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023; lập kỷ lục địa phương duy nhất cả nước có năm thứ 7 liên tiếp (từ 2017-2023) giữ vị trí Quán quân PCI và 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Khu công nghiệp Sông Khoai có tổng vốn thu hút đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Quảng Ninh.

Khu công nghiệp Sông Khoai có tổng vốn thu hút đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả này khẳng định niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh những năm qua.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, chính quyền đã tích cực trong triển khai các nhiệm vụ đề ra, từ đó góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm.

Tuy vậy, trong kết luận phiên họp, ông Cao Tường Huy đã yêu cầu các đơn vị cần tập trung thực hiện quyết liệt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9%. Các ngành công nghiệp như Than, Điện tiếp tục triển khai giải pháp tăng năng suất. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, phấn đấu thu hút FDI trên 617 triệu USD trong tháng 6, 6 tháng đầu năm 2024 thu hút FDI đạt khoảng 1,48 tỷ USD. Bên cạnh đó, tăng cường kích cầu, làm mới các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách đến Quảng Ninh. Hết 6 tháng đầu năm, phấn đấu thu hút trên 10 triệu lượt khách. Cùng với đó, các địa phương tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công…

Tin bài liên quan