Công nghiệp Bình Dương vắng bóng dự án tỷ USD

Nhiều năm qua, Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song đến nay, địa phương này vẫn vắng bóng dự án tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nên tác động lan tỏa, kích thích sự tăng trưởng kinh tế còn hạn chế.

Công nghiệp Bình Dương vắng bóng dự án tỷ USD

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: “Tính đến giữa tháng 9/2014, tỉnh đã thu hút được hơn 1,3 tỷ USD vốn FDI. Với kết quả đó, việc thu hút FDI của Bình Dương trong năm nay đã hoàn thành. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, số dự án mới, nhất là dự án lớn không nhiều, chủ yếu là các dự án tăng vốn và Bình Dương còn thiếu dự án của các tập đoàn lớn có chuỗi sản xuất toàn cầu”.

Thực tế, tại Bình Dương đã có những dự án tỷ USD, trong đó đáng nói nhất là Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương (liên doanh giữa Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu Nhật Bản). Dự án này được khởi công từ đầu năm 2012, với tổng mức đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, tác động lan tỏa, kích thích sản xuất của Dự án Tokyu Bình Dương là không nhiều, bởi đây đơn thuần là dự án bất động sản.

Theo tổng hợp của Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, đến nay, địa phương này có gần 10 dự án FDI có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Có thể nhắc đến một số dự án tạo ra giá trị sản xuất cao, tác động lan tỏa khá tốt, như Dự án của Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam (Hoa Kỳ), có tổng mức đầu tư gần 570 triệu USD, chuyên sản xuất các loại hóa mỹ phẩm; Dự án của Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký gần 350 triệu USD, sản xuất săm lốp xe, sản xuất mủ cao su…

Liên quan việc Bình Dương chưa “bén duyên” dự án tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù địa phương đã xác lập được “thương hiệu” trong thu hút FDI, ông Dũng cho biết, một số tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao… đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, nhưng chưa có quyết định đầu tư cụ thể.

Lý giải thực tế đó, ông Dũng cho biết, một trong những nguyên nhân mà nhà đầu tư còn ngần ngại là Bình Dương chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu các khu quy hoạch riêng để thu hút các dự án lớn và những chính sách ưu đãi đầu tư vẫn theo các quy định hiện hành, chứ chưa có cơ chế đặc thù dành riêng cho các dự án lớn, nên khiến các tập đoàn lớn, có chuỗi sản xuất toàn cầu chưa mặn mà rót vốn đầu tư vào Bình Dương.

Với Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 vừa được công bố, kỳ vọng tình hình thu hút đầu tư vào địa phương này sẽ có bước chuyển biến tích cực.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 - 2020 được phê duyệt từ năm 2007. Sau 5 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu của quy hoạch đạt và vượt, trên cơ sở đó, tỉnh Bình Dương quyết định điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển của địa phương. Ngày 11/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025.

Theo quy hoạch mới được phê duyệt, mục tiêu của quy hoạch là xây dựng Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020, là một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Trong đó, riêng về phát triển công nghiệp, đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,1%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 20%/năm…

Theo ông Dũng, với quy hoạch mới công bố, đã có những khu, cụm công nghiệp cụ thể và với chức năng của mình, các chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp này sẽ tiếp xúc, mời gọi các nhà đầu tư lớn. Cùng với đó, hơn 2.000 nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy các nhà đầu tư khác đến với Bình Dương.

“Với những kết quả đã có, cộng với những nỗ lực và quyết tâm lớn hơn trong việc thu hút đầu tư, hy vọng sẽ có những dự án tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp ‘cập bến’ Bình Dương thời gian tới”, ông Dũng lạc quan.

Tin bài liên quan