Việc đầu tư cho hệ thống CNTT đồng bộ, hiện đại, cần tối thiểu 2 triệu USD

Việc đầu tư cho hệ thống CNTT đồng bộ, hiện đại, cần tối thiểu 2 triệu USD

Công nghệ thông tin, điểm nghẽn của ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Để xây dựng được một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư một khoản không nhỏ. Đây chính là thách thức lớn nhất của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là với các doanh nghiệp trong khối bảo hiểm phi nhân thọ.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm đang sở hữu một hệ thống công nghệ được đầu tư bài bản so với thị trường cho biết, một công ty bảo hiểm mới ra đời, riêng việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi (máy tính cá nhân và bản quyền sử dụng các phần mềm văn phòng, các phần mềm quản lý nghiệp vụ, kế toán, tổng đài, hệ thống máy chủ, hệ thống thông tin liên lạc, máy văn phòng v.v.) phải mất tối thiểu 2 triệu USD. Đây là số tiền đầu tư không hề nhỏ, nhưng nếu muốn có một hệ thống đồng bộ thì không thể không đầu tư.

Thực ra, công ty bảo hiểm nào cũng mơ ước có một hệ thống công nghệ thông tin đầu tư bài bản ngay từ đầu như những công ty bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do, không phải công ty bảo hiểm nào cũng làm được điều này. Với những công ty bảo hiểm có mặt trên thị trường từ hơn 10 năm trước, dù có quyết tâm làm tốt hệ thống này cũng không dễ do “yếu tố lịch sử” để lại, còn các công ty bảo hiểm mới ra đời gần đây thì nguồn vốn đầu tư cũng là cả một vấn đề.

“Hoạt động của công ty bảo hiểm phi nhân thọ giờ khá khó khăn vì chi phí thì lớn, lãi ít, nhiều công ty chạy doanh thu từng ngày… Nên ít doanh nghiệp trong nước nào dám bỏ một lúc mấy triệu đô để đầu tư, đặc biệt là các công ty bảo hiểm vừa và nhỏ. Chỉ có những công ty bảo hiểm lớn hoặc công ty bảo hiểm nước ngoài mới dám mạnh tay cho vấn đề này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cho biết. 

Thực tế, một công ty bảo hiểm hoạt động trên thị trường cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn mà lại mất rất nhiều thời gian để thu hồi vốn. Trung bình, mỗi doanh nghiệp cần khoảng 8 năm để đạt đến điểm hòa vốn, công ty nào xuất sắc lắm thì mới có thể đạt điểm hòa vốn trong 5 - 6 năm. Tuy nhiên, để lấy lại vốn đầu tư thì có thể phải mất đến 12 - 15 năm. Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên, vì không có tiền đầu tư bài bản nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chọn cách chỉ đầu tư những hệ thống công nghệ thông tin cơ bản còn phần mềm thì có thể tự viết hoặc có nhiều thứ làm theo kiểu thủ công… Chính vì thế, công nghệ thông tin vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.  

Tại Đại hội đồng cổ đông của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng  thừa nhận, việc đầu tư vào một hệ thống phần mềm quản lý mới trong khi toàn hệ thống chưa có sự tương thích khiến cho doanh thu nghiệp vụ đang được ứng dụng phần mềm này sụt giảm nhanh chóng. Tất nhiên, không thể vì sự sụt giảm doanh thu trước mắt mà không tiếp tục áp dụng công nghệ nên doanh nghiệp phải vừa làm vừa chỉnh sửa, vá lỗi. Chính vì đầu tư công nghệ thiếu đồng bộ, kém hiệu quả nên hiện nay hệ thống công nghệ thông tin của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa cập nhật được từng hợp đồng bảo hiểm phát sinh, chưa phân loại được khách hàng, rủi ro bảo hiểm, chưa phân tích, đánh giá được nguyên nhân, mức độ rủi ro tổn thất, còn nhiều lỗ hổng để trục lợi bảo hiểm phát sinh.

Hệ thống công nghệ thông tin của một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và quản trị doanh nghiệp cũng là nỗi lo hiện tại của cơ quan chức năng cũng như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Một chuyên gia trong ngành cho rằng, thực tế, ngoài yếu tố tiền đầu tư, ở một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước vẫn thiếu tầm nhìn dài hạn về việc phát triển doanh nghiệp, thiếu quản lý dự án có đủ năng lực, thiếu sự phối hợp/hỗ trợ từ các bộ phận cũng như thiếu các quy trình chuyên nghiệp và quan trọng hơn cả là thiếu quyết tâm thay đổi.

“Lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đã tiếp cận một cách sai lầm khi cho rằng hệ thống phải thay đổi để phục vụ những mong muốn chủ quan của từng bộ phận. Vì thế, các doanh nghiệp này cứ xây rồi lại đập”, vị chuyên gia trên nói.        

Tin bài liên quan