Công nghệ thay đổi cục diện cạnh tranh trên thị trường chứng khoán

Công nghệ thay đổi cục diện cạnh tranh trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Đa phần, những công ty chứng khoán (CTCK) có nhà đầu tư ngoại sở hữu 100% vốn được đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, để gia tăng khả năng cung cấp dịch vụ, tăng tiện ích, trải nghiệm, bảo mật, đồng thời giúp CTCK có thể quản lý hiệu quả, minh bạch hơn. Công nghệ và nhiều yếu tố mới đang làm thay đổi cục diện cạnh tranh trên TTCK Việt Nam.

Sự xuất hiện của các CTCK ngoại với công nghệ hiện đại, dịch vụ tiện ích, hấp dẫn là lý do khiến ngay cả những CTCK nội địa vốn được đánh giá là mạnh về công nghệ vẫn phải liên tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Tại các thị trường phát triển trên thế giới, ứng dụng công nghệ trong chứng khoán là xu thế tất yếu. Bên cạnh việc duy trì hệ thống môi giới, công nghệ giúp CTCK tiếp cận được đa dạng khách hàng hơn.

Theo một số chuyên gia, ở các CTCK lớn như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, một CTCK bên cạnh mảng hoạt động ngân hàng đầu tư thì mảng bán lẻ nhất thiết phải xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Từ đây, các CTCK có thể quản lý hàng triệu tài khoản, với mạng lưới giao dịch rộng khắp. Thông qua dịch vụ giao dịch trực tuyến mà các CTCK cung cấp, khách hàng không chỉ được cập nhật nhanh nhất các báo cáo do chính CTCK thực hiện, mà còn được sử dụng các báo cáo từ các công ty khác. Đương nhiên, người sử dụng sẽ trả phí.

Tại Việt Nam, TTCK đang có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó yếu tố công nghệ hỗ trợ rất nhiều.

Các nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu cao hơn trong việc sử dụng dịch vụ giao dịch an toàn, nhưng phải thuận tiện, nhanh chóng.

Do vậy, các CTCK đã đầu tư công nghệ, cung cấp dịch vụ về cơ bản có thể được “số hoá”, thông qua việc áp dụng công nghệ một cách sáng tạo giúp giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng và thời gian cung cấp dịch vụ, đồng thời mang đến cho khách hàng những trải nghiệm vượt trội.

Với cơ cấu dân số trẻ và ưa chuộng công nghệ, các thiết bị di động đang mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của giao dịch điện tử.

Hầu hết các CTCK trong Top 20 thị phần môi giới hiện nay có nền tảng giao dịch trực tuyến, đáp ứng nhiều nhu cầu khách hàng.

Nhiều CTCK, nền tảng công nghệ đã có đủ tiện ích cho tất cả các dịch vụ, bao gồm đặt lệnh, chuyển tiền, giao dịch mua bán cổ phiếu…, hay cung cấp những báo cáo phân tích ngày càng chất lượng và có độ chuyên sâu.

Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng có thể cung cấp đủ những dịch vụ trên, đặc biệt là báo cáo phân tích chất lượng, bởi điều này phụ thuộc lớn vào yếu tố nhân sự chuyên môn cao, kinh nghiệm và am hiểu doanh nghiệp, am hiểu thị trường tại mỗi công ty.

Các CTCK hiện nay đang dần hình thành sự “phân hoá” rõ nét: nhóm công ty có sản phẩm báo cáo phân tích chuyên sâu, nhưng đầu tư cho công nghệ còn ở mức cầm chừng, chưa tạo thành ưu điểm nổi; nhóm CTCK có thế mạnh vượt trội về công nghệ, có ưu đãi về phí giao dịch, hay mức lãi suất margin cạnh tranh, nhưng lại chưa mạnh về nhân sự phân tích chuyên sâu…

Dù sự phân hóa đang được định hình, nhưng thực tế, cả những CTCK sử dụng robot vào công cụ tư vấn như CTCK Kỹ Thương, CTCK BIDV (BSC)… hay những công ty có sự đầu tư khủng cho nền tảng giao dịch, với nhiều sản phẩm đa dạng như VPS và nhóm tên tuổi như SSI, HSC, VNDS, MBS… cũng đều liên tục nâng cấp, cải tiến công nghệ.

Bên cạnh đó là những “tay chơi mới”, các CTCK vốn ngoại vừa là nhân tố cạnh tranh, vừa là nhân tố xúc tác thúc đẩy sự thay đổi trong các CTCK muốn trụ vững vị trí trên thị trường.

Mới đây, Hanwha Investment & Securities, một thành viên của Tập đoàn Hanwha chính thức được đổi tên thành Pinetree Securities, bắt đầu thúc đẩy đầu tư các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Công ty này triển khai chính sách miễn phí giao dịch trọn đời với tất cả các khách hàng giao dịch chứng khoán online, cho cả tài khoản thường và tài khoản ký quỹ.

Chính sách này khác biệt hẳn so với các chương trình miễn phí giao dịch có thời hạn của các CTCK đã tung ra trước đó.

Cuộc đua không dừng ở phí giao dịch hay lãi suất cho vay margin, mà còn từ những tiện ích mang đến cho khách hàng.

Mirae Asset vừa tung những gói cho vay ký quỹ với lãi suất hấp dẫn, vừa ra mắt phần mềm My Asset - Home Trading System (HTS) - là sản phẩm được xây dựng và sử dụng tại Hàn Quốc bởi Tập đoàn Mirae Asset.

Tên tuổi mới trong làng chứng khoán là CTCK AIS cũng đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Công ty này tung ra gói miễn phí giao dịch cho khách hàng trên nền tảng online và ứng dụng điện thoại.

Tại CTCK Yuanta, Công ty đã xây dựng thành công hệ thống giao dịch trực tuyến hiện đại với nền tảng công nghệ mới nhất thông qua các ứng dụng và website để cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích hơn cho các nhà đầu tư.

Chẳng hạn, giải pháp Middlebank và Unified Service Platform nhằm giúp khách hàng quản lý tiền một cách hiệu quả, an toàn nhất; ứng dụng hỗ trợ giao dịch phái sinh YS Futures; ứng dụng công nghệ bảo mật sinh trắc học trên ứng dụng YSWinner…

Dĩ nhiên, hệ thống tốt không quyết định tất cả, vẫn cần đến đội ngũ chăm sóc khách hàng tốt và khả năng phân tích tốt, hay nói cách khác chính là chất lượng trong từng bản tin, báo cáo phân tích… mới có thể hỗ trợ cho nhà đầu tư đầu tư hiệu quả. Đây là lợi thế, cũng là cơ hội để các CTCK nội địa hàng đầu tiếp tục duy trì vị thế nếu có sự đầu tư cho hạ tầng công nghệ hiện đại kịp thời.

Tin bài liên quan