Bán lẻ trên thế hệ công nghệ lõi mới sẽ mang lại hiệu quả mới cho các ngân hàng.

Bán lẻ trên thế hệ công nghệ lõi mới sẽ mang lại hiệu quả mới cho các ngân hàng.

Công nghệ số, động lực tăng trưởng mới của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mạnh tay đầu tư cho công nghệ mới chỉ mang lại được hiệu quả ban đầu, chưa đóng vai trò xoay trục cho các ngân hàng để bù đắp lợi nhuận cho nhiều mảng kinh doanh đang suy giảm.

Bán buôn và bán lẻ xoay trục

Còn nhớ, năm 2013, phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước khi nhận nhiệm vụ phụ trách khối ngân hàng bán lẻ sau thời gian dài cầm trịch khối ngân hàng bán buôn đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán: “Ngân hàng bán lẻ chỉ phát triển được nhờ nền tảng công nghệ, chuyển đổi số. Cụ thể, công nghệ hỗ trợ triển khai các sản phẩm “may đo” đến từng khách hàng và đặc biệt, công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả của việc quản trị ngân hàng, khai thác dữ liệu một cách nhất quán, nhanh chóng, chính xác… Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng vẫn còn rất “tậm tịt”. Điều đó sẽ gây nhiều khó khăn trong việc đạt lợi nhuận mục tiêu cho những người cầm lái bộ phận này trong tương quan với khối ngân hàng bán buôn”.

Nhưng chỉ vài năm sau, nhất là sau đại dịch Covid-19, mảng bán lẻ tại nhiều ngân hàng phát triển rất nhanh và mang lại hiệu quả cao. Một lãnh đạo VIB cho biết, động lực giúp kết quả kinh doanh của Ngân hàng tăng trưởng mạnh đến từ cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi: ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, nguồn vốn và ngoại hối. Riêng mảng ngân hàng bán lẻ được VIB xem là trọng tâm chiến lược và đầu tư mạnh mẽ nhất.

VIB hiện là ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ dẫn đầu thị trường với gần 90% danh mục tín dụng, trong khi trung bình ngành là 40%.

“Đặc biệt, sự phát triển vượt trội của ngân hàng số cũng là một trong những thành tựu nổi bật trong 5 năm qua, với 97% giao dịch của khách hàng đã được thực hiện trên nền tảng số”, vị lãnh đạo VIB nói.

Với ngân hàng số Cake by VP Bank, ứng dụng Cake được nhúng trong ứng dụng gọi xe Be, mục tiêu nhằm thu hút tệp khách hàng và lái xe của Be sử dụng dịch vụ ngân hàng. Sau khi thay đổi công nghệ lõi với nền tảng ngân hàng đám mây Mambu trong 74 ngày, Cake đã thu hút được 3 triệu khách hàng - con số mơ ước của nhiều ngân hàng khác.

Điều đó cho thấy, bán lẻ trên thế hệ công nghệ lõi mới sẽ mang lại hiệu quả mới cho các ngân hàng, sau một thời gian dài bị lép vế so với khối bán buôn, nhất là khi các thông tin xấu trên thị trường liên tục xuất hiện.

Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho hay: “Vừa tăng tốc hoạt động kinh doanh được mấy tháng đầu năm 2022 thì mọi việc chùng lại và thậm chí đi xuống vào giai đoạn cuối năm. Ban lãnh đạo “căng mình” cân đối để không phải công bố lợi nhuận giảm trước bối cảnh lãi suất huy động cao nhưng lãi suất cho vay chưa thể đẩy cao tương ứng. Quan trọng hơn cả là vướng câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản”.

Xung quanh vấn đề này, một báo cáo của FiinGroup dự báo, danh mục trái phiếu của một số ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận thua lỗ trong báo cáo tài chính quý. Trong khi đó, thị trường bất động sản được phản ánh trên các phương tiện truyền thông qua các cụm từ như đóng băng, nghẹt thở, thiếu máu, thiếu ôxy vốn, cần cứu gấp…, đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống ngân hàng.

Cân đối các mảng kinh doanh

Năm 2008, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam trong buổi trả lời báo chí nhân dịp Ngân hàng được cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nói: “Chúng tôi ví mình như chiếc máy bay hai động cơ là bán buôn và bán lẻ”, cho thấy quan điểm coi trọng cả hai khối hoạt động ngay từ đầu. Quan điểm này được không ít chuyên gia đánh giá là phù hợp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, có một thực tế tại không ít ngân hàng Việt Nam là có sự lệch lạc nhất định trong kinh doanh, cụ thể là lúc thì đẩy mạnh mảng bán lẻ, lúc thì tập trung vào mảng bán buôn, dẫn đến sự mất cân đối trong hoạt động. Khi thị trường đang có lợi thế cho mảng kinh doanh đó thì không sao, nhưng khi bất lợi thì ngay lập tức ngân hàng gặp khó khăn.

“Các lĩnh vực kinh doanh cần phải được cân bằng và trong thời đại công nghệ 4.0, các ngân hàng sẽ thêm nhiều cánh tay đắc lực hỗ trợ”, TS. Hiếu nói.

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc nền tảng ngân hàng đám mây Mambu cho rằng: “Các ngân hàng đều thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Nhưng cụ thể, chiến lược cần cân đối các hoạt động kinh doanh trong một “rổ” có nhiều mảng khác nhau. Cùng với sự phát triển của thời đại là lựa chọn công nghệ nào để phục vụ cho lĩnh vực đó hay nói theo một cách khác, chuyển đổi số cũng cần phải được cân đối cho các lĩnh vực khác nhau”.

Không ít ngân hàng có sự lệch lạc trong kinh doanh, dẫn đến mất cân đối trong hoạt động.

Theo ông Minh, năm 2023, nhu cầu của thị trường không khác biệt so với năm 2022, đó là nhiều người mất việc làm, thu nhập giảm… dẫn đến chi tiêu giảm thì các ngân hàng phải tập trung nhiều hơn vào việc kích cầu. Không có dư tiền để tiêu dùng và tiết kiệm sẽ là cơ hội phát triển mảng thanh toán mua trước, trả sau và thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, nhóm khách hàng làm nghề tự do nổi lên như một phân khúc tiềm năng mới nhưng chưa được tiếp cận các sản phẩm tín dụng là cơ hội cho các ngân hàng khai thác, gia tăng thị phần, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, để khách hàng muốn sử dụng dịch vụ của mình, ngân hàng cần có giao diện thân thiện, sử dụng thuận tiện và mang lại trải nghiệm như ý. Điều này phụ thuộc vào chiến lược chuyển đổi số nhằm tạo ra được định vị tập trung cho từng lĩnh vực, quan trọng là tìm được đối tác hiểu được những điều gì đang diễn ra và luôn tìm tòi những giải pháp tốt nhất, mới nhất trên toàn cầu mang về Việt Nam.

“Không chỉ đơn thuần là đem đến Việt Nam những sản phẩm tối tân nhất trên thế giới, vì Mambu không muốn đem những sản phẩm mà khách hàng của mình không hiểu rõ, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ, điều chỉnh rồi giới thiệu, tư vấn cho các khách hàng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Việt Nam. Và cuối cùng vẫn quay lại câu chuyện thiết kế sản phẩm đa dạng, nhanh, dễ dàng thay đổi nhất để phục vụ nhu cầu của thị trường”, ông Minh nói.

Để có thể làm được những điều trên, ông Minh tiết lộ, Mambu chỉ cần tốn vài tuần chứ không cần vài tháng hay vài năm để giúp các ngân hàng chuyển đổi số, như câu chuyện của ngân hàng số Cake. Đồng thời, Mambu sẵn sàng đào tạo cho nhân sự khối công nghệ của ngân hàng để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số.

“Không có gì quá siêu đẳng và phức tạp. Và rõ ràng, tốc độ nhanh hơn, ít nguồn lực sẽ khiến chi phí giảm, nhưng vẫn tạo ra được một nền tảng lõi cơ bản chắc chắn, ổn định, đó là giá trị của Mambu mang lại”, ông Minh nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối công nghệ tại một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Chi phí cho đầu tư công nghệ luôn rất lớn, nhưng điều giúp chi phí mặc nhiên giảm là những ngân hàng có tốc độ chuyển đổi nhanh tốn ít nguồn lực. Đây là vấn đề những người phụ trách khối công nghệ đều hiểu, nhưng truyền tải được thông điệp này với các lãnh đạo khác cũng như ông chủ của ngân hàng là điều không dễ dàng”.

“Chuyển đổi số không phải là vấn đề của riêng khối công nghệ, mà là của toàn ngành ngân hàng. Các ngân hàng cần phải xem việc đầu tư chuyển đổi số để tập trung cho phát triển bền vững. Đặc biệt, khi kinh tế không ổn định khiến nhịp kinh doanh chậm lại, thì đây là thời điểm ngân hàng cần điều chỉnh chiến lược để phát triển bền vững. Có thể đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số toàn diện thời điểm này chậm so với một số ngân hàng khác, nhưng sẽ không bao giờ là muộn”, vị phó tổng giám đốc phụ trách khối công nghệ nói.

Tin bài liên quan