![Công nghệ sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu](https://image.tinnhanhchungkhoan.vn/w860/Uploaded/2025/wpxlcdjwi/2025_02_10/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-dang-tro-lai-dung-huong1739113257-5698.jpg)
Xu hướng chuyển mình của đất nước
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị nhấn mạnh rằng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà là đòn bẩy mạnh mẽ để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để hiện đại hóa sản xuất và thúc đẩy phát triển bền vững. Để đạt được điều đó, Đảng giữ vai trò lãnh đạo, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp từ toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh chuyển đổi số, ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng số. Đồng thời, thúc đẩy tự chủ công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược và tiếp thu công nghệ tiên tiến từ thế giới. Song song đó, việc bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền số được xem là nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số toàn diện.
![]() |
Bà Nguyễn Thu Bình, Quyền Giám đốc Quản trị rủi ro, Công ty Quản lý quỹ PVI |
Nghị quyết 57-NQ/TW đặt ra các mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hướng tới xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ đạt mức tiên tiến trong nhiều lĩnh vực, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Đặc biệt, kinh tế số cần chiếm ít nhất 30% GDP, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80% và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) được kỳ vọng đạt 2% GDP, trong đó hơn 60% từ nguồn xã hội hóa.
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cũng đã được Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra nhằm đạt được những mục tiêu này. Trước hết, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về vai trò của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong toàn xã hội, từ các cấp lãnh đạo đến người dân. Tiếp theo, hoàn thiện thể chế pháp luật là điều kiện tiên quyết nhằm loại bỏ các rào cản, khuyến khích đổi mới sáng tạo và áp dụng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hạ tầng số, công nghệ chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là nhiệm vụ ưu tiên. Không chỉ dừng lại ở nội lực trong nước, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, học hỏi từ các quốc gia đi đầu. Cuối cùng, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng cốt lõi để xây dựng niềm tin trong quá trình chuyển đổi số.
Nghị quyết 57-NQ/TW thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc tạo đột phá, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, thông qua việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa để nâng tầm các lĩnh vực kinh tế, trong đó có thị trường tài chính. Thị trường trái phiếu, với vai trò là nguồn vốn dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, cần tận dụng triệt để những lợi ích mà công nghệ mang lại để tăng tính minh bạch, hiệu quả và an toàn.
Thị trường trái phiếu: Hiện trạng và dư địa phát triển
![]() |
Ông Vũ Đức Anh, Bộ phận Phân tích Khối Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ PVI |
Thị trường trái phiếu Việt Nam đã trải qua hơn ba thập kỷ định hình và trưởng thành, trở thành kênh huy động vốn quan trọng bên cạnh thị trường cổ phiếu và tín dụng ngân hàng.
Cột mốc đáng chú ý là Nghị định 90/2011/NĐ-CP tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng với tốc độ trung bình trên 24%/năm. Đặc biệt, năm 2020 - 2021 chứng kiến sự bùng nổ phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, năm 2022, những thách thức bắt đầu lộ diện khi thông tin chưa minh bạch, chất lượng tín dụng chưa cao và chính sách tiền tệ thắt chặt gây áp lực lên thị trường. Gần đây, thị trường phát triển theo xu hướng bền vững hơn, với sự ra đời của trái phiếu xanh (chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành năm 2024) và trái phiếu có bảo lãnh từ tổ chức quốc tế như CGIF, GuarantCo, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tính đến cuối năm 2024, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 20% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 12% GDP, trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 88%. Dù có sự tăng trưởng đáng kể so với con số 5% GDP vào năm 2015, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với các nước phát triển như Hàn Quốc (80% GDP), Nhật Bản (200% GDP). Số liệu này cho thấy, thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW khuyến khích sử dụng công nghệ để tối ưu hóa thị trường. Các giải pháp công nghệ như phân tích dữ liệu lớn có thể giúp tăng độ minh bạch và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, góp phần đưa quy mô thị trường đạt mục tiêu 30% GDP vào năm 2030.
![]() |
Năm 2024, theo dữ liệu từ Fiin Ratings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục, với 473 đợt phát hành, trị giá 461.000 tỷ đồng, tăng 33,1% so với năm 2023, phản ánh nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, khi xét về cơ cấu huy động theo ngành, các tổ chức tín dụng chiếm 69% giá trị phát hành (với mục tiêu bổ sung vốn cấp 2, đáp ứng các tỷ lệ an toàn khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh trở lại). Số liệu này cho thấy, kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp vẫn là vốn vay tại ngân hàng thương mại, nhưng cũng cho thấy tiềm năng, dư địa phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dữ liệu giờ đây không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà đã trở thành nền tảng cho mọi quyết định đầu tư. Trong đó, nhiều tổ chức tài chính đã xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu toàn diện, giúp xác định chính xác khẩu vị rủi ro, dự báo thị trường và tối ưu hóa danh mục đầu tư trái phiếu. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong phân tích, định giá trái phiếu đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Các mô hình học máy (Machine learning) có thể dự báo khả năng vỡ nợ, đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành và tối ưu hóa danh mục đầu tư. Đây chính là cách thị trường đáp ứng định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW: tạo dựng sự đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển bền vững.
![]() |
Kinh nghiệm quốc tế: Bài học cho Việt Nam
Thị trường trái phiếu Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới, với giá trị giao dịch hàng ngày lên đến 500 tỷ USD. Thành công của thị trường Mỹ phần lớn nhờ vào việc sử dụng dữ liệu toàn diện. Hệ thống TRACE ra đời vào tháng 7/2022, bắt buộc các tổ chức phát hành và giao dịch báo cáo đầy đủ thông tin giao dịch, từ đó tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, việc xếp hạng tín nhiệm được đẩy mạnh khi hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch công khai đều được đánh giá bởi các cơ quan xếp hạng như Standard & Poor’s, Moody’s. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này bằng cách xây dựng hệ thống báo cáo dữ liệu giao dịch theo thời gian thực, giúp nhà đầu tư dễ dàng đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định.
Tại Singapore, thị trường trái phiếu được phát triển thông qua chiến lược hợp tác công - tư để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Chính phủ nước này cung cấp nền tảng số hóa trái phiếu, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng huy động vốn với chi phí thấp. Việt Nam có thể triển khai nền tảng giao dịch trực tuyến cho trái phiếu doanh nghiệp, kết hợp với ưu đãi về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp phát hành.
Trong khi đó, Nhật Bản ứng dụng blockchain để quản lý và theo dõi các giao dịch trái phiếu nhằm đảm bảo tính bảo mật và minh bạch. Điều này giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến gian lận và sai sót trong thanh toán. Việt Nam có thể ứng dụng blockchain nhằm góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trái phiếu.
Những bước chuyển mình cần thiết
Thị trường trái phiếu đang đứng trước cơ hội lớn để trỗi dậy, bứt phá và định hình vị thế mới.
Trong làn sóng đổi mới và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, không phải tất cả các tổ chức kinh doanh trái phiếu đều đã sẵn sàng để thích nghi. Không ít tổ chức kinh doanh chứng khoán (quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty tài chính...) vẫn phụ thuộc vào các phương pháp truyền thống, như sử dụng quy trình thủ công trong quản lý rủi ro, thiếu các công cụ hiện đại để tối ưu hóa danh mục đầu tư, hoặc chưa tận dụng hiệu quả các nền tảng dữ liệu lớn. Những hạn chế này không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh, mà còn đẩy các tổ chức vào nguy cơ bị loại khỏi thị trường trong bối cảnh các đối thủ đang nhanh chóng vươn lên nhờ công nghệ.
Chậm trễ trong đổi mới sáng tạo chính là mất cơ hội. Đối với thị trường trái phiếu, điều này không chỉ là một lời cảnh tỉnh, mà còn là yêu cầu cấp bách. Các tổ chức kinh doanh trái phiếu cần hành động ngay để hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trước tiên, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm việc mua sắm các thiết bị hiện đại và triển khai phần mềm quản lý tiên tiến để tự động hóa quy trình từ khâu giao dịch đến phân tích và báo cáo. Đồng thời, xem xét tin học hóa toàn diện hệ thống quản trị rủi ro, sử dụng AI và Machine learning để dự đoán khả năng vỡ nợ của các doanh nghiệp phát hành, tối ưu hóa danh mục đầu tư và nâng cao năng lực ra quyết định. Việc này giúp cải thiện tính minh bạch và độ chính xác trong quản lý, từ đó gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, xây dựng các nền tảng kết nối trực tuyến với nguồn thông tin thị trường như các sàn giao dịch trái phiếu, cơ quan xếp hạng tín nhiệm và hệ thống dữ liệu tài chính quốc gia. Kết nối này giúp cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ các tổ chức phản ứng nhanh trước những biến động của thị trường, từ đó đưa ra các chiến lược kịp thời và hiệu quả.
Đặc biệt, việc tích hợp với các cổng thông tin của các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán hay các nền tảng dữ liệu của Bộ Tài chính sẽ giúp đảm bảo độ chính xác, minh bạch và cập nhật liên tục của thông tin. Song song đó, doanh nghiệp cần khai thác nguồn dữ liệu từ những đơn vị cung cấp uy tín trên thị trường quốc tế và trong nước như Bloomberg, FiinGroup, Wichart… Những hệ thống này cung cấp dữ liệu lịch sử, phân tích xu hướng, có các công cụ hỗ trợ đánh giá rủi ro, dự báo diễn biến thị trường và cung cấp các chỉ số so sánh.
Việc tận dụng và kết nối chặt chẽ với các nền tảng thông tin đó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực phân tích, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình ra quyết định và định hướng chiến lược đầu tư một cách chính xác hơn.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là đào tạo và nâng cao năng lực nhân sự. Chuyển đổi số không chỉ yêu cầu công nghệ, mà còn cần con người có đủ trình độ để vận hành các hệ thống mới, phân tích dữ liệu và ứng dụng vào thực tế quản lý. Việc tổ chức các chương trình đào tạo về sử dụng phần mềm quản lý, phân tích dữ liệu và công nghệ tài chính là bước đi cần thiết để chuẩn bị nguồn lực cho tương lai.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rằng, công nghệ không thay thế con người, mà hỗ trợ con người tối ưu hóa công việc. Các hệ thống tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang dần đảm nhận những tác vụ lặp đi lặp lại, xử lý khối lượng dữ liệu lớn và cung cấp thông tin kịp thời, giúp nhân sự tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi tư duy chiến lược, sáng tạo và ra quyết định.
Chẳng hạn, các phần mềm chuyên dụng có thể thay thế quy trình thủ công bằng file Excel truyền thống, trong khi AI ngày càng hỗ trợ mạnh mẽ hơn như ChatGPT giúp tìm kiếm và xử lý thông tin nhanh chóng, Gamma AI giúp tạo bài thuyết trình chỉ trong vài phút. Nhờ những công cụ này, thay vì mất thời gian vào các thao tác thủ công, nhân viên có thể tập trung vào nghiên cứu chuyên sâu, phân tích xu hướng, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và tìm kiếm cơ hội mới.
Do đó, thay vì lo ngại về việc công nghệ thay thế con người, doanh nghiệp cần chủ động đào tạo và trang bị kỹ năng mới cho nhân sự, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để nâng cao hiệu suất và giá trị công việc, phát huy tối đa khả năng sáng tạo và giá trị con người trong môi trường số hóa.
Cuối cùng, các tổ chức cần đặt ưu tiên cao cho an ninh mạng và an toàn dữ liệu.
Những bước chuyển mình này sẽ giúp các tổ chức kinh doanh trái phiếu thích nghi với xu hướng mới, tạo nền tảng để bứt phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế trong một thị trường ngày càng cạnh tranh.
Với nền tảng kinh nghiệm, sự đổi mới sáng tạo và định hướng chiến lược rõ ràng, thị trường trái phiếu có thể sẽ sớm chinh phục những đỉnh cao mới.