Một trung tâm triển lãm lớn, cạnh tòa nhà biểu tượng của Singapore là Marina Bay Sand, cùng với hàng chục phòng thảo luận chuyên đề thu hút tới 21.000 lượt khách tham quan và hơn 150 quan chức cao cấp đại diện các thành phố lớn đã về đây chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về rất nhiều vấn đề đang phát sinh tại các thành phố từ dịch vụ công, giao thông, nước, môi trường…
Việt Nam cũng có nhiều địa phương cử đại diện tham dự năm nay và người đại diện các địa phương trao đổi tại Hội nghị là Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Hội nghị năm nay bao gồm 4 chủ đề bao quát: Nước, Thành phố, Môi trường và Giao thông - vận tải. Tuy nhiên, điểm nhấn được các đại biểu quan tâm là chính ứng dụng các công nghệ mới trong thời đại 4.0. Khái niệm “smart cities” - thành phố thông minh được các chuyên gia đề cập nhiều như một phạm trù không tách rời để tạo nên những thành phố đáng sống.
Thành phố “nên tới sống” và thành phố “đáng sống”
Đô thị hóa là một xu hướng tất yếu và kết quả của các cuộc cách mạng về khoa học công nghệ và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là các thành phố cỡ lớn và siêu lớn (dân số trên 10 triệu người) thì đa số nằm ở các nước châu Á.
Top 10 thành phố có dân số lớn nhất thế giới, theo Wikipedia, chỉ có duy nhất Lagos (Nigeria) là không thuộc châu Á. Và cũng theo danh sách này, TP.HCM xếp thứ 25 với hơn 8,2 triệu dân, còn Hà Nội xếp thứ 33 với hơn 7,5 triệu người.
Việc hình thành nên các thành phố rất lớn, ngoài lý do về kinh tế và xu hướng đô thị hóa, còn có lý do về văn hóa và khả năng cung cấp hạ tầng xã hội cho cư dân. Rõ ràng rằng, với các nước kinh tế đang phát triển, các thành phố lớn là nơi có thể cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa - giải trí và cơ hội việc làm tốt nhất.
Hà Nội và TP.HCM chính là 2 ví dụ điển hình, các bệnh viện đầu ngành đều nằm ở 2 thành phố lớn nhất của Việt Nam, các trường học có chất lượng đào tạo tốt nhất cũng ở đây, và đây cũng là 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Giới trẻ, theo một cách tự nhiên, họ sẽ chọn về thành phố để có những cơ hội phát triển bản thân tốt hơn, được tham gia vào các hoạt động văn hóa giải trí đa dạng hơn. Người lớn tuổi, cũng cần trụ ở lại dù diện tích nơi ở chật hẹp do giá bất động sản đắt đỏ, mức độ ô nhiễm ở 2 thành phố này lớn hơn hầu hết các tỉnh, thành phố khác, nhưng đây lại là nơi có điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất.
Theo báo cáo Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam vào năm 2014, tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam chưa cao, trung bình mỗi người phải chịu 15,3 năm bệnh tật.
Theo những cách thức tương tự, Hà Nội và TP.HCM nói riêng và nhiều thành phố ở châu Á, châu Mỹ - La Tinh nói chung “vô tình” đã trở thành những thành phố “nên tới sống” với nhiều triệu cư dân, thay vì một danh hiệu khác là thành phố “đáng sống”.
Thách thức quản lý đô thị
Phát biểu khai mạc WCS 2018, Phó thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh, các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo hơn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ tình trạng bất ổn xã hội, suy thoái môi trường và trì trệ kinh tế cũng như các bệnh truyền nhiễm, di cư hoặc sự lây lan của xung đột và bất an...
Các thách thức này đòi hỏi cộng đồng toàn cầu cần có trách nhiệm cùng chung tay giải quyết. Đặc biệt, sự gia tăng của các "siêu đô thị", nhu cầu về tài nguyên và biến đổi khí hậu gia tăng... đã thực sự gây trở ngại cho quá trình phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến các chuyên gia từ WCS 2018 cho thấy, sự tập trung dân cư quá lớn khiến hầu hết các siêu đô thị đều gặp phải những vấn đề chung đó là kẹt xe, ô nhiễm không khí, xử lý rác thải, nước sạch, dịch vụ hành chính công...
“Đó là chưa kể đến những tác động mới từ biến đổi khí hậu đối với hầu hết các thành phố”, ông Ahmed Aboutaleh, Thị trưởng thành phố Rotterdam nói và cho biết: “Biến đổi khí hậu tạo nên một thách thức mới cho các thành phố, do có sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa bất thường trong năm, mực nước biển dâng cao,… Điều này đòi hỏi các thành phố cần phải có dữ liệu tốt hơn, phương thức quản lý linh hoạt và thông minh hơn”.
Số hóa quản lý đô thị
Để giải quyết các vấn đề của đô thị ngày nay, ngoài các giải pháp truyền thống mà hầu hết các thành phố đang thực hiện là tăng diện tích cây xanh, tăng diện tích mặt đường, đầu tư các hệ thống giao thông công cộng, hay di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra xa thành phố…, thì một trong những điểm đáng chú ý nhất là xu hướng số hóa các thành phố, hướng mục tiêu tạo lập các “thành phố thông minh” - smart cities, bên cạnh các khái niệm khác như “thành phố công viên” - garden cities, forrest cities…
Trong bản báo cáo “Cities in the Driving Seat” (tạm dịch là “thành phố trên ghế lái") công bố tại WCS 2018, Tập đoàn Siemens đến từ Đức đã nhấn mạnh, các thành phố cần có kế hoạch sớm với các loại hình phương tiện giao thông có tính kết nối cao và xu hướng các phương tiện giao thông tự hành (connected and autonomous vehicles - CAV).
Theo ông Pete Daw, Giám đốc Phát triển Đô thị và Môi trường, Trung tâm toàn cầu về năng lực cho các thành phố, Siemens, “Các phương tiện tự hành phải là một phần của sự chuyển đổi rộng hơn các khu đô thị” và “việc ưu tiên cho việc đi lại của người dân phải là ưu tiên chứ không phải là những con số về lượng xe hơi, bởi nếu như vậy, sai lầm trong quá khứ có thể lặp lại”.
“Tương lai của các thành phố của chúng ta có thể trông rất khác với việc áp dụng CAV, giúp định hình xu hướng tương lai trong biến đổi khí hậu, chất lượng không khí, sức khỏe cộng đồng và hơn thế nữa”, ông Pete nói.
Có hàng chục lợi ích khác nhau mà ông Pete đưa ra khi nói về lợi ích của CAV, một viễn cảnh các phương tiện tự hành được kết nối với nhau từ xe bus, metro, tàu treo và các phương tiện vận hành cỡ nhỏ hơn (kể cả xe tự lái cá nhân) sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, các phương tiện vận hành bằng điện sẽ giúp giảm lượng phát thải so với loại hình động cơ đốt trong hiện nay, tăng tốc độ vận chuyển cũng như hỗ trợ người già, trẻ nhỏ và người khuyết tật dễ dàng trong thành phố.
Các chuyên gia Siemens giới thiệu Giải pháp quản lý không khí thành phố (CyAM)
Sử dụng các phương tiện vận hành là một ý tưởng không mới, nhưng để đầu tư thì cần cả một quá trình hoàn thiện lâu dài, nhưng phải bắt đầu từ bây giờ. Nhưng bên cạnh những giải pháp lớn như vậy, tại WCS, có thể thấy rất nhiều giải pháp có thể thực hiện được ngay, chẳng hạn như Giải pháp Quản lý không khí thành phố (CyAM), cũng do Siemens cung cấp.
Dựa trên một số cảm biến được lắp đặt tại thành phố, CyAM là một phần mềm trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích các dữ liệu thu thập được và cho kết quả theo thời gian thực về chất lượng không khí các thành phố, tình hình thời tiết từng khu vực và đặc biệt, có khả năng dự báo các số liệu này trong 3-5 ngày tiếp theo.
Theo ông Roland Busch, Trưởng bộ phận Công nghệ và thành viên Hội đồng quản trị của Siemens AG, dữ liệu chỉ là nguyên liệu thô, nhưng với CyAM thì dữ liệu sẽ biến thành các kết quả mô phỏng và dự báo chính xác và từ đó giúp cho các lãnh đạo thành phố đưa ra được các quyết định nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí.
Cũng theo ông Roland Busch, ô nhiễm không khí do nhiều nguồn tạo ra từ hoạt động các nhà máy trong và xung quanh thành phố, do hoạt động xây dựng…, nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất là phát thải của các phương tiện giao thông. “Các nhà máy thì không dễ dàng đóng cửa, các máy điều hòa, tủ lạnh không dễ dàng ngắt nguồn, nhưng giảm lượng khí thải từ phương tiện bằng các biện pháp điều tiết giao thông là có thể”.
“CyAM sử dụng dữ liệu thu được bởi các cảm biến để đề xuất một lựa chọn các hành động từ một tập hợp 17 biện pháp có thể được thực hiện trong ngắn hạn thông báo để cải thiện chất lượng không khí”, ông Roland Busch cho biết.
“Ví dụ thiết lập các khu vực phát thải thấp, giảm giới hạn tốc độ và cung cấp cho công chúng khu vực xác định các dịch vụ vận chuyển miễn phí trong một thời gian giới hạn, lượng phát thải sẽ giảm đi và mức độ ô nhiễm sẽ giảm xuống. Các thành phố có thể sau đó tích hợp thông tin chi tiết thu được từ những hành động này vào các kế hoạch trung và dài hạn của mình”.
CyAM nhận được đánh giá là “công cụ thông minh nhất có sẵn cho các thành phố muốn cải thiện chất lượng không khí”. Cũng ngay tại WCS 2018, Simens đã ký thỏa thuận nguyên tắc với lãnh đạo Thành phố tri thức Sino-Singapore Guangzhou, tại quận Pearl River Delta (Singapore) để ứng dụng CyAM, với sự phát triển nền tảng kỹ thuật số thành phố xanh.
Số hóa quản lý đô thị trong lĩnh vực quản lý nước, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải,… trên các thành tựu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đang được coi là một xu hướng. Theo các chuyên gia, xu hướng này đòi hỏi sự bắt đầu từ tư duy của nhà lãnh đạo để sớm có chiến lược ngay từ bây giờ, giống như quy hoạch thành phố trước đây, những con đường, những khu vực cao ốc, hệ thống xử lý rác, nước thải cần phải xác định ngay, bởi nếu sai thì sẽ tạo ra một thành phố chỉ “nên đến sống” mà sẽ rất khó khăn để chuyển đổi thành thành phố “đáng sống”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com