Dự án thứ nhất là xây dựng công viên phần mềm và cảng cạn ICD tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD, do Tập đoàn Jiayuan International hợp tác với UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện, đã được đích thân Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung trao Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đầu tư.
Dự án thứ hai cũng được kỳ vọng sẽ mở ra một xu thế hợp tác mới giữa các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đó là cái bắt tay hợp tác giữa Công ty cổ phần VNG và Công ty Temasek Capital Management.
Theo biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa hai bên, Temasek Holdings và VNG sẽ cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư chiến lược và mở rộng hợp tác kinh doanh trên các lĩnh vực dịch vụ công nghệ như trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử, dịch vụ đám mây...
Mặc dù việc ký kết MOU mới chỉ là khung khổ ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, song dự án này được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, bởi đứng sau thương vụ là một quỹ đầu tư lớn của Singapore.
Chia sẻ đánh giá của các các nhà đầu tư ngoại về lĩnh vực có tiềm năng và được “để mắt” nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai, ông Don Lâm, Tổng giám đốc Vina Capital không ngần ngại khẳng định đó chính là công nghệ.
Theo ông Don Lâm, Vina Capital cũng đang rốt ráo triển khai kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này.
“Trong năm nay và năm tới, VinaCapital đầu tư rất nhiều vào các dự án công nghệ. Đây cũng chính là lý do chúng tôi vừa thành lập quỹ đầu tư mới có tên gọi VinaCapital Ventures”, ông Lâm nói và cho biết thêm, kế hoạch của quỹ này sẽ đầu tư vào hai công ty mới là FastGo và Logivan. Trong đó, FastGo sẽ cạnh tranh trực tiếp với Grab tại Việt Nam.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, cơ hội cho đầu tư và phát triển trong lĩnh vực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Ông Mại cũng dẫn đánh giá của chuyên gia cao cấp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Sacha Wunsch - Wincent cho thấy, trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2018, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt bởi hai yếu tố.
Đó là liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu và liên tục được đánh giá là hoạt động nổi bật trong đổi mới phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với Nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt để cùng các bộ thúc đẩy chính sách đổi mới sáng tạo.
“Đây là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển dựa trên hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và đổi mới sáng tạo”, Giáo sư Nguyễn Mại nhận định.
Và đây cũng chính là yếu tố đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, các quỹ đầu tư đang tìm kiếm những giá trị gia tăng mới với cơ hội lợi nhuận hấp dẫn từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào 3 khu công nghệ cao quốc gia đã đạt được kết quả rất khả quan.
Sau 15 năm thành lập, Khu công nghệ cao TP.HCM đã có 130 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD, có sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như Intel, Microsoft, Samsung, Nidec, Sanofi, Nipro…
Gần đây, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho trên 50 doanh nghiệp công nghệ cao và có dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 35 doanh nghiệp. Con số này đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường hấp dẫn thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ