Khi công nghệ là động lực tăng trưởng
Propzy - một trong những doanh nghiệp Proptech có quy mô nhất thị trường đã dừng hoạt động trong năm qua, song điều này không có nghĩa là Proptech không còn hấp dẫn, thậm chí động thái gần đây của những “tân binh” còn cho thấy điều ngược lại.
Đơn cử, cuối tháng 11/2022, MGI Proptech thông báo hợp tác chiến lược và tiếp nhận vốn đầu tư từ đối tác đến từ Singapore, đồng thời chính thức công bố dự án RealXInvest ra thị trường. Khắc Việt Group của doanh nhân - ca sĩ Khắc Việt tiết lộ với báo giới dự định đầu tư vào Công ty TNHH Công nghệ Homeup Việt Nam nhằm hướng đến một nền tảng công nghệ Proptech cung cấp dịch vụ toàn diện về bất động sản cho hệ thống của mình.
Còn ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group hé lộ một dự án mới về dịch vụ chuyển đổi số đã cung cấp cho nhiều ngân hàng, trong đó MBBank là ngân hàng đầu tiên trả phí dịch vụ…
Áp lực chi phí vận hành tăng cao buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc áp dụng các nền tảng công nghệ để tối ưu hóa chi phí, từ đó tạo điều kiện cho các Proptech lên ngôi. So với “đời đầu”, các Proptech hiện nay nỗ lực đi sâu vào việc tạo ra các tiện ích nhằm thay đổi hành vi người sử dụng, thay vì tập trung quá nhiều vào khâu tìm kiếm thông tin.
Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land, start-up tiên phong trong lĩnh vực Proptech chia sẻ, về phía người mua nhà, tìm kiếm thông tin chính xác chỉ là một phần trong quá trình giao dịch bất động sản, bên cạnh đó là nhu cầu về quản lý, định giá hay tìm kiếm các khoản vay tài chính phù hợp.
Với người môi giới, đó là nhu cầu về một nền tảng kết nối kiểm tra dự án/sản phẩm, so sánh giá giao dịch…, thậm chí là bổ trợ các thông tin để nhanh chóng đưa ra phương thức tư vấn nhanh và chính xác nhất cho khách hàng. Với chủ đầu tư dự án, nhu cầu duy nhất là tăng hiệu suất bán hàng. Đặc biệt, không thể thiếu nhu cầu thẩm định giá tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng và công ty thẩm định.
“Xuất phát từ những nhu cầu thực tế đó, việc hiểu và xây dựng các sản phẩm Proptech tương thích với các trải nghiệm đặc thù cho từng nhóm khách hàng là yêu cầu bắt buộc. Meey Land mới được thành lập từ năm 2019, nhưng tới nay đã cho ra mắt nhiều ứng dụng trong hệ sinh thái sản phẩm công nghệ bất động sản, trong đó hướng tới 3 đối tượng chính là cơ quan quản lý, khối doanh nghiệp - tổ chức tư nhân và người dân”, ông Chung thông tin thêm.
Tìm cách tiếp cận mới để phát triển bền vững
Thông tin tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2022) tổ chức cuối tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số xếp hạng thể chế của Việt Nam tăng mạnh từ vị trí 83 năm 2020 và 2021 lên vị trí 51 trong năm 2022.
Những thay đổi về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.
Đánh giá của HSBC và KPMG trong báo cáo mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất châu Á với số công ty khởi nghiệp tăng gấp đôi sau dịch. Chính phủ luôn quan tâm tới thúc đẩy môi trường khởi nghiệp là bệ đỡ cho việc xuất hiện nhiều hơn các start-up công nghệ nói chung, start-up Proptech nói riêng.
Theo ông Hoàng Mai Chung, tương tự các start-up lĩnh vực tài chính, điều quan trọng nhất đối với các start-up Proptech hiện nay là tập trung vào nâng cao tương tác và trải nghiệm khách hàng đa kênh trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm với một chi phí vừa phải, hợp lý. Điều này không những không làm giảm đi vai trò của môi giới bất động sản truyền thống, mà còn cải thiện quy trình kết nối thông tin từ chủ đầu tư tới người mua nhà cuối cùng.
Một thực tế là tương lai của các dịch vụ bất động sản đã vượt ra ngoài các cơ chế phân phối, các sản phẩm và dịch vụ truyền thống. Sự ra đời của các công nghệ mới là AI, Big Data, AR/VR, Blockchain cho phép nhúng cả các dịch vụ tài chính - ngân hàng như thanh toán, đặt cọc hoặc chia nhỏ bất động sản đầu tư… vào các ứng dụng Proptech.
Kết quả là doanh nghiệp có thể tạo thêm nhiều giá trị cho người dùng và tối ưu trải nghiệm của họ, từ đó vừa gia tăng sự trung thành của khách hàng hiện hữu, vừa thu hút thêm khách hàng tiềm năng.
Để đạt được kết quả trên, điều tiên quyết là các start-up Proptech cần phải xây dựng được một đội ngũ nhân sự công nghệ đủ tầm để giải quyết được những vấn đề mà chỉ ứng dụng công nghệ mới xử lý được như sự phân mảnh giữa nguồn cung và nhu cầu, quá nhiều khâu trung gian và chi phí ngầm, thiếu dữ liệu lịch sử, thiếu tính minh bạch trong định giá... Điều này cần chi phí đầu tư lớn, trong đó chưa bao gồm nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thường xuyên.
Ngoài ra, một thách thức không nhỏ khác được ông Olivier Raussin, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm FEBE Ventures để cập tới, đó là các start-up Proptech cần “chen chân” vào được mối quan hệ giữa ngân hàng và nhà phát triển bất động sản cũng như quy trình vay thế chấp, đặc biệt ở thị trường sơ cấp. Chìa khóa thành công chính là cân bằng giữa các hoạt động trực tiếp và trực tuyến, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cung cấp dịch vụ truyền thống.
Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Meey Land
Do sự phân mảnh của thị trường nên mỗi nhóm, tệp người dùng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư, công nghệ đi kèm, thị trường... cần phải đủ tốt mới tạo được sức hút, nếu không sẽ dẫn đến việc thiếu chi phí, không thể tái đầu tư và phát triển.
Do đó, các giải pháp đầu tư phải đi từ gốc, bao trùm toàn diện các vấn đề dù là nhỏ nhất của thị trường mới có thể tạo được giá trị và nhận được sự đón nhận của cộng đồng.