Đó là chia sẻ của ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2021 với tựa đề “Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai” của Ngân hàng Thế giới (WB).
Câu chuyện của 1 tờ giấy
Anh P.T.B ở Hà Nội cho biết, trung tuần tháng 4 năm nay, anh đăng ký thi lớp 10 trường Trung học Phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội năm học 2021-2022 cho con với lệ phí 320.000 đồng. Do dịch bệnh bùng phát nên việc thi vào lớp 10 bị lùi lại và với khung thời gian eo hẹp dẫn đến khối trường chuyên thuộc quản lý của các trường Đại học tổ chức thi tuyển sinh ngay sau kỳ thi của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chấm dứt dẫn đến hiện tượng trùng ngày thi với nhau.
“Gia đình lựa chọn thi vào trường khác, không thi vào Trung học Phổ thông chuyên Đại học Sư phạm và Nhà trường cũng đồng ý hoàn trả lệ phí thi bởi nguyên nhân khách quan”, anh P.T.B nói.
Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 8, anh P.T.B vẫn chưa thấy Nhà trường hoàn trả 320.000 đồng nên có liên lạc với Nhà trường và được thông báo: “Thông tin chuyển tiền dù đã có tên Ngân hàng nhận nhưng không có tên chi nhánh nên lệnh chuyển tiền này không thực hiện được”.
Ngay lập tức, anh P.T.B đã cung cấp thông tin chi nhánh ngân hàng theo hướng dẫn của Nhà trường nhưng sau 2 tuần, đến ngày 23/8 vẫn chưa thấy hoàn tiền. Anh P.T.B có nhắn tin hỏi: “Có phải do dịch bệnh nên Nhà trường chưa hoàn trả lệ phí dự thi?” thì đã nhận được tin nhắn xác nhận của Nhà trường “Vâng ah”.
Anh P.T.B cho biết, anh hiểu là tài khoản cá nhân thì việc chuyển tiền vô cùng nhanh, thao tác trong vòng chưa đầy 1 phút là xong, nhưng trong một tổ chức thì không thể nhanh được như vậy. Tuy nhiên, đến 2 tuần không chuyển khoản được thì cũng hơi lạ, nên anh đã tham khảo một nhân viên ngân hàng.
Nhân viên ngân hàng này giải thích: “Các ngân hàng vẫn làm việc bình thường nhưng phần lớn các cơ quan tiến hành uỷ nhiệm chi bằng giấy nên bắt buộc nhân viên phải mang giấy tờ ra ngân hàng mới tiến hành chuyển khoản được. Thời gian này giãn cách xã hội do dịch bệnh và khoản chi tiền này có thể được coi là “không vì mục đích thiết yếu”, nên việc hoàn trả lệ phí thi cho gia đình anh bị chậm”.
Đổi mới sáng tạo: Đang trỗi dậy nhưng chưa tinh sâu
Thông tin tại buổi công bố Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, chỉ có 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì và khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ.
Trước khủng hoảng COVID-19, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ quanh mức trung bình, đi sau nhiều quốc gia so sánh về sử dụng công nghệ số. Việt Nam có thứ hạng hơi thấp hơn mức bình quân về tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đăng ký bằng sáng chế và mức độ tinh thông của khách hàng, trong khi chạy theo sau về số bằng phát minh, sáng chế.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho biết, đại dịch COVID-19 năm 2020 và tác động kéo dài đến năm 2021 đã làm thay đổi cuộc chơi đối với khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt công nghệ thông tin và truyền thông để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.
Theo đó, những khảo sát qua điện thoại gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt tăng mạnh nhằm ứng phó với dịch COVID-19, từ 48% doanh nghiệp vào tháng 6/2020 lên 73% vào tháng 1/2021. Trong cùng kỳ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp số - như lắp đặt thiết bị và phần mềm cho hoạt động doanh nghiệp - tăng hơn bốn lần từ 5% lên 21%.
Dẫu vậy, khảo sát doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ của Ngân hàng Thế giới năm 2020 cho thấy, ứng dụng công nghệ mới vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu ở Việt Nam. Chỉ có 6% các doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng điện toán đám mây cho các nhiệm vụ của doanh nghiệp và chỉ dưới 2% các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn hoặc trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động marketing. Bao quát hơn, chỉ có khoảng 6% các doanh nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng các kỹ thuật sản xuất bồi đắp (AM) hoặc các kỹ thuật tiên tiến khác, và chưa đến 2% sử dụng rô-bốt.
“Nhìn chung, Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt để đạt được tham vọng số… tuy nhiên, lợi ích về năng suất của các công nghệ và phương thức mới sẽ không trở thành hiện thực nếu không có nỗ lực của doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách...”, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.
Quay trở lại câu chuyện trên của anh P.T.B, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc khối công nghệ một ngân hàng cho biết: “Thực tế, tiến hành uỷ nhiệm chi tại một cơ quan sẽ phải qua nhiều thủ tục nhằm đảm bảo sự an toàn, tuy nhiên, việc này không có nghĩa là không thể thực hiện được trên nền tảng công nghệ. Vấn đề chỉ là cơ quan đó có muốn làm hay không mà thôi”.