Theo đó, tổng cộng đã có 149 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định bã bị nêu tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ trên 100 triệu đồng tiền thuế. Trong đó, cá biệt có những doan nghiệp có số nợ thuế cao nhất lên tới 124 tỷ đồng, thấp nhất là trên 100 triệu đồng tiền thuế.
Tổng số nợ thuế và các khoản khác có khả năng thu đến 30/6/2018 theo công bố của Cục thuế Bình Định là 494,83 tỷ đồng. Số thuế các doanh nghiệp đã nộp sau thông báo của Cục thuế từ ngày 1/7 - 18/7/2018 chỉ có hơn 2,55 tỷ đồng. Trong khi đó, số thuế còn nợ tính đến ngày 19/7/2018 lên 492,3 tỷ đồng.
Việc tiến hành công khai nợ thuế được xem là bước đi mạnh mẽ của ngành thuế trong việc chấn chỉnh tình trạng nợ đọng thuế dài hạn, cũng như công khai minh bạch thông tin đối với người dân.
Thực tế, không chỉ Bình Định, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,…và một số địa phương khác cũng tiến hành công khai tình trạng nợ đọng thuế dài hạn của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc công khai tại một số địa phương vẫn chưa thực sự rộng rãi và vẫn chưa bao quát được hết các doanh nghiệp, vì vậy vẫn có tình trạng doanh nghiệp bị bêu tên cách đây tới vài năm đến nay vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ về thuế.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, trong đợt công bố lần 7 năm 2018, nhiều cái tên nợ thuế tính đến ngày 31/5/2018 đã được Cục Thuế Hà Nội đăng công khai từ năm 2015 hoặc 2016. Tuy nhiên, số nợ của các doanh nghiệp này còn lớn nên Cục thuế Hà Nội tiếp tục công khai lần 2.
Một phần danh sách công khai nợ thuế được công bố trên báo Bình Định
Tại hội nghị sơ kết ngành của Bộ Tài chính sáng ngày 18/7/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh thuế nhà đất vẫn là vấn đề Bộ Tài chính cần nghiên cứu bởi đây là nguồn thu của các địa phương, đồng thời liên quan đến nghĩa vụ của người dân với vấn đề kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, dư địa để tăng ngân sách từ số thuế bị thất thu, đặc biệt từ trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng còn rộng hơn rất nhiều. Dẫn lại tính toán của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cả nước thu được 2.900 tỷ đồng nếu đánh thuế với ngưỡng trên 700 triệu đồng và thu 1.500 tỷ đồng nếu lấy ngưỡng 1 tỷ đồng.
"Thử tính, 1.500 tỷ đồng này chỉ bằng một phần bao nhiêu của số nợ đọng thuế? Trong khi đó, trên thế giới, một số nước phải mất 2 đồng cho chi phí quản lý thuế nhà đất mới thu được một đồng thuế", Phó thủ tướng lý giải và cho rằng, để tăng thu ngân sách, chống thất thu và nợ đọng thuế mới là vấn đề quan trọng.
Về nhiệm vụ thu hồi nợ đọng thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, ngành đặt mục tiêu cuối năm 2018 giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính 6 tháng đầu năm 2018 có 10 địa phương thu nội địa thấp hơn so với cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, 32 địa phương tiến độ thu ngân sách thấp so với dự toán, trong đó có 13 địa phương đạt dưới 45% dự toán năm.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ cần phối hợp với các địa phương rà soát công tác thu, đặc biệt là tại 20 địa phương mới đạt 50% dự toán.
"Đừng để nước đến chân mới nhảy, cần phải chỉ rõ nguyên nhân là do dự toán hay do quản lý chung", Phó thủ tướng nói, đồng thời lưu ý, nếu không tính toán sớm có thể xảy ra tình trạng cuối năm các địa phương hụt thu và ngân sách trung ương phải gánh.
Trở lại câu chuyện của tỉnh Bình Định, việc chủ động công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh công bố tại website của Cục thuế tại địa phương là cách để mở rộng hơn, thuận đường hơn tới dư luận, và cũng như chủ động nhắc nhở các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc hoàn tất nợ đọng thuế.