Cộng hưởng sức mạnh của các “quả đấm thép”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị Thủ tướng và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước mới đây, giới đầu tư quan tâm tới thông điệp về sự cộng hưởng các nguồn lực doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy đầu tư từ khu vực này.

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Nguồn lực rất lớn đang nằm trong các doanh nghiệp nhà nước kỳ vọng được thúc đẩy để tăng sức bật cho nền kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh vô cùng khó khăn, đặc biệt khi khu vực này luôn được đặt trọng trách dẫn hướng, tạo xúc tác cho dòng vốn đầu tư của khu vực tư nhân (gồm cả doanh nghiệp trong nước và FDI) thông qua các dự án lớn.

Nhìn vào kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có thể thấy nỗ lực rất lớn của khối này để duy trì doanh thu và lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, với những bất ổn địa chính trị và những khó khăn của môi trường kinh doanh trong nước.

Nhìn rộng hơn, số liệu ước tính tổng doanh thu của 847 doanh nghiệp có vốn Nhà nước năm 2023 có thể đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch. Tương tự, lãi phát sinh trước thuế năm nay của các doanh nghiệp nhà nước dự kiến tăng 9%, nộp ngân sách tăng 7% so với kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, so với năm 2022, doanh thu của khu vực này chỉ bằng 51%, lãi trước thuế giảm 47,3% và phần nộp ngân sách cũng giảm 32,9%... Đặc biệt, Bộ trưởng nhắc lại số liệu doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp nhà nước tăng 29%, lãi phát sinh trước thuế tăng 24% so với năm 2021.

Bức tranh kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước dù có những điểm sáng, song những khó khăn rõ ràng vẫn còn rất lớn.

Gỡ những nút thắt

Báo cáo với Thường trực Chính phủ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy, dẫn tới không tạo ra được năng lực tăng thêm.

Đây cũng là đau đáu của chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, số tiền đầu tư của Tập đoàn năm nay dù thuộc hàng lớn nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, với 55.000 tỷ đồng đầu tư thuần hay tổng số 94.860 tỷ đồng, gồm cả tiền trả nợ gốc và lãi vay, nhưng vẫn thấp so với nhiều năm trước. Chưa kể, tốc độ giải ngân 8 tháng đầu năm vẫn chậm, đang đặt áp lực vào quý IV/2023.

“Nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra là làm thế nào để khai thác nguồn lực đang nằm trong doanh nghiệp nhà nước, trong tập đoàn kinh tế, đưa sớm nguồn lực vào nền kinh tế. Chỉ có cách là tăng cường đầu tư. Nhưng khung thể chế đang là rào cản lớn để đưa nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước ra đầu tư”, ông An thẳng thắn.

Chủ tịch EVN lấy ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, quy trình, thủ tục cho đầu tư năng lượng đang được áp dụng theo Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, có quá nhiều bước, nên quá trình ra quyết định chậm. Chưa kể, tiến độ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu EVN, Chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn còn rất chậm.

Đến nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược và kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng mới phê duyệt đề án cơ cấu lại của 4 doanh nghiệp trực thuộc, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của cả giai đoạn, vì không có chiến lược thì doanh nghiệp không thể thực hiện đầu tư.

Nhìn vào con số tổng tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nếu được cộng hưởng, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ có sức mạnh rất lớn. Một ví dụ được nhắc đến tại Hội nghị là vừa qua là Tập đoàn Viettel và EVN đã phối hợp để nhanh chóng đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành.

Vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với định hướng là nhà đầu tư của Chính phủ để cùng với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu các cơ hội đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tuần hoàn mà tư nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện hiệu quả như điện năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi, hydrogen, LNG), thiết kế và sản xuất chip, bán dẫn… cũng được đề nghị tới thường trực Chính phủ.

Một cơ chế lắng nghe, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp nhà nước kịp thời hơn đang được kỳ vọng.

Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”

Ngày 26/9, Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tổ chức Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập cơ quan này.

Sau 5 năm hoạt động, CMSC đã khẳng định mô hình và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác quản lý vốn nhà nước một cách minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tọa đàm sẽ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp nhìn lại chặng đường vừa qua của CMSC, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy khu vực kinh tế quan trọng này.

Tọa đàm có sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tin bài liên quan