Tuần qua, sự việc một doanh nghiệp triển khai dự án điện mặt trời tại khu vực núi Cấm (An Giang) bắt được cặp rắn hổ mây "khủng" đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng động xã hội.
Mỗi ngày, có vài chục ngàn lượt người trong và ngoài nước thi nhau lục tung các trang online tìm kiếm thông tin về “rắn hổ mây”. Thậm chí, có những clip thu hút hàng triệu lượt view.
Xem ra, sự xuất hiện của loài thanh xà cực hiếm này đã phá vỡ sự yên bình ở chốn thâm cung bí sử Thiên Cấm Sơn và khuấy đảo "thế giới ảo” vốn dĩ chưa bao giờ lặng sóng.
Thiên nhiên quả là quá đỗi diệu kỳ, mà từ khi khai sinh lập địa qua hàng trăm nghìn năm, con người vẫn chưa khám phá ra hết. Rắn hổ mây là điển hình.
Rất rất nhiều người đã từng nghe và cũng không ít người tự nhận mình là nhân chứng “mắt thấy - tai nghe” về rắn hổ mây bay trên đọt cây, phì phò phun hơi, đi mây về gió…
Trước khi một doanh nghiệp ở An Giang có cơ may bắt được, thì “thần rắn” này vẫn còn là giai thoại được truyền miệng qua nhiều đời mà không có bất kỳ hình ảnh thật của nó. Ngay cả google cũng phải bó tay. Chẳng những thế, các cơ quan chức năng ít nhiều khá lúng túng để đưa ra bằng chứng chính xác về loài rắn cực hiếm này.
Cặp hổ mây bằng xương bằng thịt bất thình lình "đi dạo" trên công trường thành phố điện mặt trời Bảy núi của một tập đoàn thì mới nên chuyện.
Mỗi người bình thường sẽ làm gì khi có một con rắn hữu duyên vô cớ bò vô nhà bạn đang xây? Phản xạ tự nhiên nhất của nhiều người là đập chết để tránh hậu quả, hoặc bắt để làm thịt, ngâm rượu.
Du khách háo hức đến Khu di tích lịch sử Cách mạng Đồi Tức Dụp để chiêm ngưỡng cặp rắn mây khổng lồ
Tuy nhiên, có người lại làm khác, đó là đưa về nâng niu, bảo quản, chăm sóc cẩn thận. Họ không giấu, không che đậy, thậm chí giới thiệu cho bàn dân thiên hạ được chiêm ngưỡng báu vật của Núi Ông Cấm mà trước nay chỉ nghe đồn thổi.