Hiện thực hóa chiến lược này, nhiều bộ, ngành đã ban hành các chỉ thị, giải pháp cụ thể. Bức tranh phát triển bền vững đang được định hình, đặt nền móng cho tương lai xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.
Từ báo cáo phát triển bền vững…
Sự có mặt của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là một nét mới trong vòng chấm chung khảo Báo cáo thường niên 2016. Theo Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM Trần Đắc Sinh, trải qua 9 mùa tổ chức bình chọn Báo cáo thường niên, trong đó có 3 mùa chấm điểm và vinh danh các DN có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất, đã đến lúc Cuộc bình chọn cần có thêm sự hợp sức để lan tỏa thông điệp phát triển bền vững ra cộng đồng.
Trong vòng chấm chung khảo năm nay, ông Vinh đóng vai trò là quan sát viên để tìm hiểu cách thức Hội đồng đánh giá báo cáo phát triển bền vững của các DN niêm yết. Sự có mặt của ông Vinh không phải là vô tình, bởi thực tế ông đang phải thực hiện một nhiệm vụ được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao cho VCCI từ năm 2015. Đó là phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức liên quan tiến hành xếp hạng và tôn vinh các DN bền vững nhất Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Tìm đến khối DN niêm yết, những DN tuân thủ quy chuẩn minh bạch và đã qua vòng chấm của 2 Sở Giao dịch chứng khoán rõ ràng là cách ngắn nhất để chạm tới những DN điển hình về minh bạch và tiên phong xác lập mục tiêu phát triển bền vững, khái niệm được hiểu một cách đơn giản là phát triển chính mình, nhưng không làm tổn hại đến môi trường và xã hội.
Về phía Sở GDCK TP. HCM, sau 9 năm cùng Báo Đầu tư Chứng khoán và nhà tài trợ duy nhất Dragon Capital cùng các đối tác (IFC, ACCA, UBCK, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) thực hiện Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất, HOSE có kế hoạch sẽ xây dựng chỉ số phát triển bền vững, nhằm giúp nhà đầu tư có thêm một công cụ nhận diện DN và quyết định đầu tư hợp lý.
Thực tế cho thấy, những DN được điểm cao nhất trong 4 năm chấm điểm Báo cáo phát triển bền vững trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất gần đây không chỉ thể hiện tốt khát vọng phát triển cùng cộng đồng, mà còn là những DN kinh doanh hiệu quả, vượt qua được những khó khăn, thử thách từ nền kinh tế vĩ mô.
Những cái tên được vinh danh và tỏa sáng trong nỗ lực làm tốt báo cáo phát triển bền vững trên TTCK Việt Nam như Tập đoàn Bảo Việt, CTCP Sữa Việt Nam, CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Imexpharm, CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí, CTCP FPT… cũng chính là những ứng viên sáng giá, những hạt nhân đầu tiên cho nỗ lực xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.
… đến góp sức thực hiện mục tiêu 2020
Mục tiêu tổng quát được định ra trong Chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020 là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Theo đó, Chiến lược chỉ ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam như: các chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); các chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, chỉ số giá tiêu dùng/cán cân vãng lai, bội chi ngân sách nhà nước, nợ của Chính phủ…) cùng hệ thống các chỉ tiêu về xã hội, về tài nguyên môi trường.
Đi kèm với chỉ tiêu là những giải pháp ở tầm vĩ mô Chính phủ chỉ đạo các chủ thể liên quan cần thực hiện. Trong đó, trên thị trường tài chính, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cá nhân cung cấp tài chính, đầu tư cho các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển một TTCK minh bạch, thu hút các dòng vốn nhàn rỗi trong dân chúng tham gia đầu, để vốn chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị mới cho xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm ngành tài chính, chứng khoán đang thực hiện, góp sức vào công cuộc phát triển bền vững ở tầm quốc gia.
Trong câu chuyện phát triển bền vững của nền kinh tế, TTCK Việt Nam được định vị bằng những mục tiêu cụ thể tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là phải phát triển TTCK ổn định, vững chắc, với cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ về các yếu tố cung - cầu, đảm bảo công khai, minh bạch, hướng theo các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị tiên tiến, từng bước hội nhập và tiếp cận với các chuẩn mực chung của quốc tế.
Mục tiêu cụ thể của TTCK đến năm 2020 là phải đạt giá trị vốn hóa (tính trên thị trường cổ phiếu) khoảng 70% GDP, đồng thời xây dựng được thị trường trái phiếu thành kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Chiến lược cũng xác định, cấu trúc TTCK Việt Nam sẽ chỉ có 1 Sở GDCK và từng bước cổ phần hóa Sở GDCK để thuận tiện trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường…
Tính theo quy mô vốn hóa, TTCK Việt Nam đã đi được nửa chặng đường trên con đường đến tương lai 2020 khi chỉ tiêu vốn hóa trên 2 Sở GDCK hiện nay tương đương 36% GDP năm 2015 và nhiều kế hoạch đang hoàn thiện cấu trúc thị trường đang trên đà thực thi như xây dựng TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay hợp nhất 2 Sở GDCK. Trong mọi giai đoạn phát triển, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, cái lõi để đánh giá sự lớn mạnh của TTCK chính là sự trưởng thành của các DN niêm yết và sự tham gia của cộng đồng nhà đầu tư.
Bước sang tuổi 17, nhiệm vụ ngành chứng khoán hướng tới là phát triển bền vững TTCK cơ sở, gia tăng quy mô, độ sâu của thị trường và rút ngắn khoảng cách so với các TTCK khu vực… Trong rất nhiều mảng việc cần làm, mảng việc đã và sẽ được UBCK, các Sở GDCK và các cơ quan liên quan thúc đẩy là hỗ trợ các DN đại chúng thực hiện tốt quy chuẩn minh bạch, quản trị hiệu quả và có ý thức phát triển bền vững, tạo dựng thêm những “cánh chim đầu đàn” trong nhiệm vụ xây dựng cộng đồng DN Việt Nam phát triển bền vững.