Cộng đồng doanh nghiệp FDI kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh

Cộng đồng doanh nghiệp FDI kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Kinh tế Việt Nam 2016 dự báo có tốc độ tăng trưởng chậm hơn 2015, nhưng trong quý II/2016 GDP đã bắt đầu tăng trở lại, quý III sẽ có khả năng tăng nhanh hơn với mức hồi phục mạnh hơn.

Đó là những nhận định và con số được đưa ra tại Hội thảo Đối thoại chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Đầu tư nước ngoài (Vafie) tổ chức sáng 28/6.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế đang từng bước hồi phục, rõ nét hơn và kết quả quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, mục tiêu của năm kế hoạch 2016 rất nặng nề, sẽ dồn gánh nặng cho nửa cuối năm nên đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực rất lớn và đồng bộ từ cấp vĩ mô, địa phương và nhất là cộng đồng DN nói chung.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đang tập trung thực hiện cải cách, xây dựng thể chế theo hướng hội nhập, minh bạch, trách nhiệm và kiến tạo để hỗ trợ DN. Chủ trương hoạt động là chuyển hẳn sang mục tiêu phục vụ DN thay vì quản lý như trước kia. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 để nâng cao sức cạnh tranh, tháo gỡ tất cả các rào cản đối với quá trình sản xuất - kinh doanh của DN; từ đó tăng trưởng nhanh và bền vững. Đặc biệt, việc định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như từng vị trí công tác đang tạo ra chuyển biến rõ nét, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp, lấy hiệu quả làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.

Đánh giá về vai trò của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hoạt động kinh tế nói chung và những đóng góp của khu vực này trong tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nói riêng, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Vafie cho rằng, những kết quả đạt được có sự đóng góp của khu vực này với vai trò là động lực tăng trưởng mạnh cho toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đã thay đổi về chất, nhiều dự án sau 1 năm khi cấp giấy đăng ký đã đi vào hoạt động.

Trong những năm qua, vai trò và đóng góp của khu vực FDI là rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam; DN FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, thu hút khoảng 3,5 triệu lao động, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng quản lý hiện đại (chẳng hạn Samsung đã có 192 DN hỗ trợ), đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách và 20% GDP Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mại, các DN FDI đang và kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Chính phủ, cơ quan chức năng; trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho DN hoạt động. Cũng có nhiều DN nước ngoài tìm hiểu, chọn Việt Nam để triển khai dự án đầu tư, đồng nghĩa với uy tín, sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh nước ta không ngừng nâng lên.

Theo đề xuất của ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG, Chính phủ cần cởi mở hơn trong chính sách phát triển DN, đặc biệt trong việc hỗ trợ DN để giúp tăng thịnh vượng cho nhà đầu tư nhiều hơn.

“Chính phủ nên hỗ trợ DN nhiều hơn giúp tăng thịnh vượng cho nhà đầu tư nhiều hơn. Chúng ta nói về việc hỗ trợ ông đồng DN Việt Nam bao gồm cả DN trong nước và khu vực FDI được quyền kinh doanh tự do, cởi mở hơn về nền kinh tế. Theo đó, cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn cho các DN và có các chính sách cởi mở để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến với Việt Nam”, ông Warrick Cleine nhấn mạnh.

Tin bài liên quan