Trong 15 phút đầu tiên của phiên Diễn đàn cấp cao, robot Sophia sẽ trao đổi trực tiếp với những diễn giả và có bài nói ngắn về những vấn đề mới của cách mạng công nghiệp 4.0, như các câu chuyện tự động hóa hay thách thức từ làn sóng 4.0 cho sự phát triển.
Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 và Diễn đàn cấp cao Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kiện về 4.0 đầu tiên của Việt Nam có sự phối hợp giữa Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương.
Sự kiện sẽ gồm một phiên Diễn đàn cấp cao, cùng 5 hội thảo chuyên đề đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể như đô thị thông minh, sản xuất thông minh, bước tiến trong ngành tài chính - ngân hàng, hay những giải pháp cho nông nghiệp thông minh.
Diễn đàn cấp cao vào sáng nay sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ở vai trò chủ trì.
Diễn đàn sẽ nghe ba báo cáo từ Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, đại diện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và đại diện từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trước khi bước sang phiên đối thoại chính sách.
Với sự tham gia của diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như WEF, UNIDO, World Bank, các chuyên gia cấp cao về AI cùng các Bộ trưởng từ những Bộ có liên quan, phiên đối thoại chính sách được kỳ vọng sẽ là cầu nối giúp đưa ra những định hướng quan trọng để Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, sự kiện còn có 5 hội thảo chuyên đề về những lĩnh vực cụ thể chịu ảnh hưởng từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với những phiên thảo luận này, không chỉ có các ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan mà còn có sự đóng góp của những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Đó là Viettel, FPT, Schneider Electrics trong phiên thảo luận về đô thị thông minh, Bosch, VinFast, Siemens về sản xuất thông minh, Samsung, CA Technologies, VinaCapital trong phiên thảo luận về tài chính - ngân hàng...