Công cụ phái sinh – chưa có nhu cầu?

(ĐTCK-online)Các công cụ phái sinh trên thị trường tiền tệ rất đa dạng với 4 công cụ chính là: swap (hoán đổi), forward (kỳ hạn), future (tương lai), option (quyền chọn). Đối với các nước có nền tài chính mạnh thì việc sử dụng các công cụ trên là rất phổ biến.

Các nhà bảo hộ thường sử dụng chúng để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đứng về góc độ ngân hàng thì việc kinh doanh các sản phẩm phái sinh có những ích lợi sau: làm cho sản phẩm kinh doanh của ngân hàng đa dạng, phong phú, nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh; giúp ngân hàng có thể bù đắp rủi ro thông qua hoạt động bù trừ giữa các giao dịch; nâng cao uy tín, thương hiệu của ngân hàng vì đây là các sản phẩm hiện đại…

Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ phái sinh trong hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta còn rất hạn chế, đặc biệt là ở các ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) trong khi khối ngân hàng này có nhiều cơ hội để kinh doanh sản phẩm phái sinh hơn vì có lợi thế về quy mô hoạt động và vốn, bởi một trong những điều kiện để ngân hàng kinh doanh sản phẩm phái sinh là khả năng về vốn.

Mặc dù đã được đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhưng đến nay, việc sử dụng các công cụ phái sinh chủ yếu vẫn là các ngân hàng nước ngoài và NHTMCP. Có thể kể ra một số nghiệp vụ phái sinh chủ yếu đã được áp dụng ở các ngân hàng tại Việt Nam như: ACB với quyền chọn vàng (Gold option), quyền chọn ngoại tệ (Currency option); Eximbank với dịch vụ quyền chọn ngoại tệ, hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ, giao dịch hoán đổi, giao dịch giao ngay; HSBC với hoán đổi lãi suất, quyền chọn ngoại tệ; Techcombank với dịch vụ môi giới Future cà phê…

Có thể thấy, các sản phẩm phái sinh còn rất nghèo nàn, đặc biệt là sự tham gia của các NHTMQD rất ít, chỉ mới  ở một số nghiệp vụ mua bán ngoại tệ kỳ hạn và quyền chọn giữa VNĐ và USD, còn các loại ngoại tệ khác hầu như chưa thực hiện. Sở dĩ có tình trạng trên là do các nguyên nhân sau:

- Nhân sự của các NHTMQD thường làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ít chịu tiếp thu cái mới, thiếu sự năng động, nhạy bén, trong khi sản phẩm phái sinh là những sản phẩm khá phức tạp, đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ cao.

- Do mạng lưới của các NHTMQD trải rộng khắp cả nước, với hơn 100 chi nhánh, do đó nếu muốn triển khai thì đòi hỏi trình độ giữa các chi nhánh phải tương đồng, điều này rất khó xảy ra. Có thể sản phẩm phái sinh sẽ chỉ được thực hiện tại một số tỉnh, thành lớn, nhưng như thế sẽ tạo nên sự thiếu đồng bộ giữa các chi nhánh.

- Thị trường tiền tệ Việt Nam chưa hòa nhập với thị trường tiền tệ thế giới, do đó tạo nên sự ổn định cho thị trường, khi có khủng hoảng tài chính ở khu vực hay thế giới cũng ít có ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ Việt Nam. Điều này khiến cho nhu cầu phòng chống rủi ro bằng các công cụ phái sinh là không cao.          

- Đối tượng sử dụng các công cụ phái sinh chủ yếu là doanh nghiệp, nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp về các sản phẩm phái sinh còn hạn chế, trong khi đó môi trường hoạt động ít biến động nên họ cảm thấy không có nhu cầu hoặc chưa ý thức trong việc phòng chống rủi ro, nhất là đối với các DNNN.

- Ngân hàng muốn kinh doanh sản phẩm phái sinh phải xin phép Ngân hàng Nhà nước và chỉ được hoạt động khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, điều này cũng khiến ngân hàng “ngại” triển khai nghiệp vụ này.

Để phát triển sản phẩm phái sinh tại các ngân hàng Việt Nam nói chung và các NHTMQD nói riêng, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

- Các ngân hàng cần chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ phái sinh cho cán bộ nhân viên, có thể cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có thị trường tiền tệ phát triển.

- Bộ Công Thương nên kết hợp với ngân hàng giới thiệu những lợi ích của sản phẩm phái sinh cho doanh nghiệp biết, giúp doanh nghiệp làm quen dần với các sản phẩm tài chính hiện đại.

- Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các ngân hàng. Thay vì quy định ngân hàng muốn kinh doanh sản phẩm phái sinh phải xin phép thì Ngân hàng Nhà nước nên quy định một tiêu chuẩn hoạt động cụ thể, chẳng hạn quy định về quy mô vốn, về tiêu chuẩn cán bộ phụ trách, về cơ sở vật chất…