Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác biệt rõ ràng trong cảm nhận và đánh giá giữa đối tượng cán bộ, công chức và người dân về một số biện pháp phòng chống tham nhũng.
Đối với vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, có 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá tích cực về việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập, nhưng chỉ có 35,6% người dân đồng tình khi nhìn nhận về vấn đề này.
Về hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, có 17,5% công chức, viên chức cho rằng biện pháp này không có tác dụng; 60,6% cho rằng chỉ có tác dụng phần nào và 20,1% cho rằng có tác dụng. Trong khi đó, 21,3% người dân cho rằng không có tác dụng; 36,7% có ít tác dụng và 30% có tác dụng.
Điều này cũng phù hợp với những báo cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm và nhận định biện pháp kê khai tài sản hiện nay còn mang tính hình thức, ít tác dụng. Mặc dù việc kê khai tài sản đã dần đi vào nề nếp, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc ít nhất là kê khai thiếu trung thực và bị xử lý là rất ít, mỗi năm chỉ một vài vụ, một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng gần một triệu bản kê khai tài sản.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, đa số người được hỏi về việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cho rằng việc kê khai chỉ có hiệu quả khi chúng ta có đủ điều kiện để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.
Về hiệu quả thu hồi tài sản, có 12,9% công chức, viên chức được hỏi cho rằng hiệu quả, 17,1% cho rằng không hiệu quả và có đến 60,8% nhận định chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định. Từ phía người dân, số người cho rằng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng đạt 28,4%, số lượng cho rằng không hiệu quả là 24,5% và chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định là 43,6%.
Về việc thực hiện chế độ tuyển dụng, có khoảng 35% cán bộ, công chức cho rằng chỉ đáp ứng phần nào, trong khi về phía người dân có 13,3% người được hỏi cho rằng chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm chức vụ đối với công chức, viên chức không đáp ứng được các tiêu chí công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Hoạt động khảo sát được tiến hành thực địa tại 5 địa phương, 8 bộ ngành, đồng thời khảo sát thông qua phiếu hỏi được gửi đến 16 bộ, ngành, một số sở, ngành của 58 tỉnh, thành phố với 2 nhóm đối tượng tham gia cuộc khảo sát: cán bộ, công chức và người dân.
Theo Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự, Viện Khoa học Thanh tra tiếp thu nhằm hoàn chỉnh kết quả báo cáo khảo sát trước khi chính thức tiến hành công bố rộng rãi.