Công chúa mía đường
Ngày càng nhiều cậu ấm, cô chiêu theo chân cha mẹ tấn công thương trường. Nhưng có lẽ, chưa ai có thể qua mặt được các con của đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành. Ở lĩnh vực bất động sản, cậu cả họ Đặng là Đặng Hồng Anh có thời lừng lẫy với Sacomreal. Ở lĩnh vực nông nghiệp, cô con gái Đặng Huỳnh Ức My được biết đến với danh hiệu “Công chúa mía đường”.
Như bao cậu ấm, cô chiêu khác, Ức My không tự mình khởi nghiệp mà thừa hưởng nền tảng vững chắc mà mẹ cô “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc tạo dựng. Bà Ngọc được đánh giá là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam dù bà không có tên trong danh sách giàu nhất sàn chứng khoán.
"Công chúa mía đường" Đặng Huỳnh Ức My
Từ rất lâu rồi, khi chồng bà, ông Đặng Văn Thành dồn tâm huyết vào ngành ngân hàng, một tay bà Ngọc xây dựng và phát triển nên Thành Thành Công, một công ty rất có tên tuổi trong ngành mía đường. Sau nhiều năm gặt hái muôn vàn thành công với Thành Thành Công, bà Ngọc quyết định chia sẻ quyền lực cho con gái tại công ty này.
Tháng 7/2009, cô con gái 28 tuổi Đặng Huỳnh Ức My được mẹ trao cho chức vụ điều hành cao nhất tại Thành Thành Công. Ức My trở thành nữ Tổng giám đốc trẻ tuổi. Trước đó 3 năm, cô đã được “thử lửa” ở những vị trí thấp hơn. Đó là Phó giám đốc điều hành Thành Thành Công và Phó tổng giám đốc thường trực Thành Thành Công.
Thành Thành Công đã thực hiện một thương vụ thâu tóm gây xôn xao. Đó là mua lại cổ phần chi phối của Bourbon Tây Ninh (SBT), một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành mía đường khi Tập đoàn Bourbon (Pháp) quyết định thoái toàn bộ vốn tại công ty này.
Khi thương vụ hoàn tất, người nắm quyền lực cao nhất tại SBT không phải “Nữ hoàng mía đường” là lại là “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My. Ái nữ họ Đặng sớm trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị SBT, nay đổi tên thành Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh. Tại thời điểm đó, Ức My là “nữ tướng” trẻ nhất trên thị trường chứng khoán.
Sức ảnh hưởng của Ức My không chỉ dừng lại ở Thành Thành Công và Thành Thành Công Tây Ninh. Ức My còn mở rộng quyền lực của mình tại Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Tại hai công ty này, Ức My lần lượt nắm giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị và Thành viên Ban kiểm soát.
Dù nắm giữ quyền lực lớn trong ngành mía đường nhưng cũng như mẹ, Đặng Huỳnh Ức My không có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nếu cha và anh từng nắm giữ cổ phiếu STB có giá trị hàng trăm tỷ đồng thì tài sản chứng khoán của Ức My khá khiêm tốn.
Cụ thể, đến cuối tháng 2/2014, giá trị cổ phiếu SBT mà Ức My nắm giữ có giá trị gần 50 tỷ đồng. Với hơn 3 triệu cổ phiếu BHS, Ức My có thêm 37,5 tỷ đồng. Chỉ với 87,5 tỷ đồng, có thể nói, Ức My là “người nghèo” trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng, sức ảnh hưởng của cô tới thị trường không hề nhỏ khi SBT có tên trong nhóm VN30-Index, nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Lao đao theo cha
Các công ty trong gia đình họ Đặng có quan hệ sở hữu chằng chịt, mật thiết. Chỉ cần một công ty “có biến”, cả hệ thống ít nhiều bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, hồi cuối năm 2012, nhiều ngân hàng lao đao sau sự cố bầu Kiên. Trong đó có Sacombank, nơi ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Gia đình họ Đặng
Cha và anh Ức My dính tin đồn bị bắt. Tuy nhiên, tin đồn này nhanh chóng bị bác bỏ sau khi ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh chỉ phải làm việc với cơ quan điều tra. Sau sự cố này, ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh lần lượt nộp đơn từ nhiệm khỏi các vị trí quản lý cấp cao tại Sacombank.
Không lâu sau đó, Đặng Huỳnh Ức My cũng đệ đơn thôi chức Tổng giám đốc Thành Thành Công. Giải thích lý do rời khỏi chức vụ cao nhất tại công ty mía đường lớn nhất Việt Nam, ái nữ họ Đặng cho biết: "Vì lý do sức khỏe yếu nên muốn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian".
Mặc dù không còn giữ chức vụ Tổng giám đốc Thành Thành Công nhưng Ức My vẫn duy trì sức ảnh hưởng của mình trên ngành mía đường khi vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thành Thành Công Tây Ninh.
Thời điểm cuối năm 2012, nhà họ Đặng chịu thiệt hại không nhỏ. Số lượng lớn của phiếu của ông Đặng Văn Thành bị Sacombank bán hết theo hợp đồng. Ông Thành bị xóa tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Đặng Hồng Anh may mắn hơn khi giữ lại được hơn 14 triệu cổ phiếu STB và đứng trong Top 70 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Thiệt hại về vật chất mà nữ doanh nhân Ức My gánh chịu không nhiều nhưng có lẽ tâm lý cô gái sinh năm 1981 ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi thôi chức Tổng giám đốc Thành Thành Công, Ức My không mất quá nhiều thời gian để cân bằng tâm lý. Rất nhanh sau sự cố ập tới gia đình họ Đặng, cô cố gắng tăng sức ảnh hưởng của mình tới thị trường khi liên tiếp mua vào cổ phiếu BHS và SBT.
Về công tác quản lý kinh doanh, năm 2013, Đặng Huỳnh Ức My không được thành công khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 239 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 370 tỷ đồng năm 2012. Lợi nhuận của Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) giảm dù doanh thu vẫn tăng nhẹ.
Tại Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS), tình hình còn thê thảm hơn. Lợi nhuận sau thuế năm 2013 chỉ là 38,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 119,2 tỷ đồng năm 2012. Có vẻ như 2013 là năm kém thuận lợi của ái nữ nhà họ Đặng.
Con người của gia đình
Là đại gia nhưng ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc lại đề cao vai trò của gia đình. Đối với họ, bữa ăn gia đình là điều gì đó thiêng liêng mà bất cứ thành viên nào cũng phải cố gắng góp mặt đầy đủ. Có lẽ, sống trong ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương như vậy nên hai anh em Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My sống rất tình cảm.
Nếu người anh Đặng Hồng Anh rất tình cảm với nhân viên thì Đặng Huỳnh Ức My kín tiếng hơn một chút. Cô không hay lên tiếng chia sẻ cảm xúc của bản thân nhưng mới đây, cô đã bộc bạch tấm lòng của mình với gia đình trên một tờ báo nổi tiếng.
Đặng Huỳnh Ức My cho biết: “Xã hội đang ngày càng phát triển những giá trị, doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng sẽ quyết định sự tồn tại và tính bền vững. Đối với riêng tôi, tôi hãnh diện vì mình là người “kế thừa” hơn là người “thừa kế”. Tôi yêu công việc, yêu trách nhiệm mà mình nhận lãnh theo hướng tích cực. Không có gì thay thế được gia đình, vì đó là nơi mà mỗi người chúng ta thể hiện tính trách nhiệm cao nhất. Trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, để luôn gắn kết và vun đắp cho một gia đình lớn, và chỉ khi nền tảng gia đình bền vững thì sự nghiệp kinh doanh mới có thể lâu dài”.
Chính vì quan điểm đó mà sau biến cố lớn của gia đình, cùng với người anh cả, Đặng Huỳnh Ức My vẫn luôn nỗ lực để gìn giữ và phát huy những gì cha mẹ đã đổ bao mồ hôi, nước mắt để xây dựng nên.