TOP 10 NƠI LÀM VIỆC TỐT NHẤT 2022 Ngành: Công nghệ thông tin.
Đây là những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất trong tạo việc làm, đãi ngộ người lao động, tạo dựng môi trường làm việc bền vững và có kết quả kinh doanh cao, bền vững.
Chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và uy tín nhà tuyển dụng.
Danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất được lựa chọn dựa trên các nhóm tiêu chí có phân bổ trọng số phù hợp bao gồm:
Nhóm tiêu chí liên quan đến Nhân sự và Uy tín nhà tuyển dụng: Được đánh giá dựa trên Uy tín thương hiệu nhà tuyển dụng, Quy mô nhân sự, Cơ cấu lực lượng lao động.
Nhóm tiêu chí liên quan đến Hiệu quả Sản xuất Kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Doanh thu, Tốc độ tăng trưởng, Thị phần
Nhóm tiêu chí liên quan đến Thu nhập và chế độ phúc lợi: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Thu nhập bình quân của người lao động, Chính sách nhân sự, Sự hài lòng của người lao động, Môi trường làm việc và Văn hóa doanh nghiệp.
Danh sách các doanh nghiệp trong Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành CNTT được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://bestemployer.vn/
Năm 2021 là một năm khá đặc biệt đối với ngành CNTT của Việt Nam khi chuyển đổi số diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực do tác động của dịch bệnh Covid-19, và Công nghệ trở thành một trong những trụ cột của cuộc chiến chống lại Covid-19 cũng như cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu cho ngành Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông với nhiệm vụ “Make In Vietnam” – chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.
Một trong những lợi thế để thực hiện nhiệm vụ trên là Việt Nam đang có một nguồn nhân lực CNTT đầy hứa hẹn về chất và lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng kinh tế. Lập trình viên Việt Nam đang giữ những thứ hạng cao, thuộc Top 6 các quốc gia hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm (2021) theo Xếp hạng về chỉ số vị trí dịch vụ toàn cầu của Kearney. Đồng thời, Việt Nam là một trong hai điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á theo Accelerance.
Các công ty trong ngành ngày càng nâng cấp chất lượng đội ngũ nhân sự và nâng cao trải nghiệm môi trường làm việc sáng tạo, năng động trong bối cảnh bình thường mới. Nhìn chung, thu nhập bình quân của nhân viên trong ngành CNTT khoảng 18-20 triệu đồng/người/tháng. Tính riêng Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành Công nghệ thông tin đang tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 150,000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: Top 10 nơi làm việc tốt nhất năm 2022, ngành CNTT (www.bestemployer.vn). |
Một số công ty trong ngành có quy mô lao động lớn trong Top 10 có thể kể đến như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), khoảng 50,000 lao động; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, gần 40,000 lao động; Tập đoàn FPT, 37,180 lao động.
Xét về hiệu quả và triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu trung bình năm 2021 của các công ty Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành CNTT đạt khoảng trên 400,000 tỷ VND. Một số doanh nghiệp vẫn duy trì vị thế dẫn đầu thị trường như Viettel, FPT, VNPT.
Qua nghiên cứu và đánh giá trên các tiêu chí liên quan đến cơ hội nghề nghiệp, lương thưởng và phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và các yếu tố khác cũng như tiềm năng tăng trưởng và uy tín của doanh nghiệp và thương hiệu nhà tuyển dụng trên thị trường, Viet Research và Báo Đầu tư đưa ra danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất trong ngành CNTT bao gồm:
Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) với thành tích giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động, với thu nhập trung bình tại công ty mẹ đạt khoảng 35 triệu đồng/nhân sự/tháng. Chiến lược quản lý nhân sự của Viettel gắn liền với chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn. Khi cần thiết và có sự thay đổi, sẵn sàng luân chuyển cán bộ để đào tạo, tìm kiếm và phát hiện ra nguồn nhân lực tốt, những cán bộ có tài năng cho những vị trí quan trọng và hơn hết, giúp cho nhân sự phát hiện ra được những khả năng của bản thân.
Công ty cổ phần FPT là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin có mặt trong Bảng xếp hạng Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành CNTT năm 2022 với nhân sự trên 37.000 người và thu nhập trung bình khoảng 35 triệu đồng/nhân sự/tháng. Chiến lược nhân sự của FPT nhiều năm qua luôn gắn liền các chính sách đãi ngộ và văn hóa doanh nghiệp có chiều sâu gắn với việc tách rời cơ cấu tổ chức quản lý nhân sự cho từng phòng với chức năng riêng, đảm bảo bởi các chuyên gia, đã giúp cho FPT hoạt động chuyên nghiệp, thống nhất hơn và đảm bảo được sự vận hành trôi chảy trong hệ thống và khâu tổ chức nhân sự.
Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT): Trong chiến lược nhân sự của VNPT, con người được xem là chìa khóa, và VNPT luôn có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng, đam mê công việc và luôn sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển của Tập đoàn. Với số lao động gần 40,000 nhân viên và thu nhập bình quân lao động 31,4 triệu đồng/lao động, VNPT được đánh giá là một trong những tập đoàn kinh tế vững mạnh của Việt nam có môi trường làm việc hiện đại, năng động, chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội được học tập, phát triển năng lực cá nhân được hỗ trợ tối đa.
Tổng công ty dịch vụ viễn thông (Vinaphone): được thành lập năm 1996, Vinaphone là đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đóng vai trò quan trọng và chủ lực trong chuỗi giá trị của tập đoàn. Với số lượng nhân sự hơn 12,000 nhân viên, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, VinaPhone cũng luôn đi đầu trong việc tham gia các hoạt động xã hội, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone): Mobifone hiện có đội ngũ nhân sự hơn 4,000 lao động và thu nhập bình quân của người lao động khoảng 30.5 triệu đồng/người. Mức đóng góp ngân sách của nhân viên MobiFone được xem là khá cao so với các doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp nhà nước nói riêng, ước tính trung bình đạt 9,62 tỷ đồng/người/năm và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có năng suất lao động cao nhất hiện nay.
Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (CMC): CMC hiện có khoảng 4,654 lao động và thu nhập bình quân người lao động 25 triệu đồng/người/tháng. Chiến lược phát triển nhân sự CMC tập trung vào 4 giá trị EVP (Employee Value Proposition – Định vị giá trị nhân viên) trong hoạt động phát triển nhân tài: Thu nhập cạnh tranh, không giới hạn – Cơ hội đào tạo, phát triển, thăng tiến rộng mở – Môi trường làm việc truyền cảm hứng, thúc đẩy tính sáng tạo – Nhà tuyển dụng. Đây cũng là một trong số ít các công ty CNTT có Viện nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ, Quỹ sáng tạo CMC, Trung tâm sáng tạo CMC, Trung tâm phát triển nguồn lực CMC,… với mục tiêu khuyến khích nhân viên sáng tạo và chuyển mình.
Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Tường Minh (TMA): Là doanh nghiệp CNTT có 25 năm kinh nghiệm trên thị trường, TMA hiện đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 3,000 lao động. Đội ngũ lập trình viên của TMA được đánh giá ở sức trẻ, tài năng, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và có kỹ năng tốt.
Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT: HPT đã xây dựng bề dày uy tín hơn 27 năm thấu hiểu và phát triển những ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông cho khách hàng tại Việt Nam và quốc tế. Nhân viên tại HPT cũng được tạo mọi điều kiện và đầu tư cho hoạt động đào tạo, phát triển kiến thức và nâng cao năng lực chuyên môn.
Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu Điện (CTIN): Là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện các dự án mạng di động tại Việt nam với thị phần lớn nhất phần dịch vụ xây lắp, tích hợp hạ tầng cơ sở mạng di động. Đội ngũ lao động của CTIN hiện có gần 500 lao động với thu nhập bình quân 19.7 triệu/người/tháng.
Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT): Là công ty được thành lập với sự góp vốn của 03 cổ đông sáng lập: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). VNTT là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin chất lượng cao tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các khu vực lân cận. Đội ngũ lao động hiện tại của VNTT khoảng 350 nhân sự và thu nhập bình quân người lao động khoảng 16 triệu đồng/người/tháng. Trong chính sách nhân sự, VNTT đã đầu tư nhiều vào việc bổ sung nhân sự giỏi và nhiều kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển trau dồi kiến thức mới về chuyên môn.
Cũng giống như các cuộc khủng hoảng đã qua trong quá khứ, đại dịch Covid-19 sẽ tác động xấu tới một số ngành nghề những cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, trong đó đặc biệt có ngành Công nghệ thông tin. Trong bối cảnh mới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành Công nghệ thông tin đều đã nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng của công nghệ, số hóa, về mối liên hệ mật thiết giữa khả năng hoạt động online trong mọi khía cạnh như vận hành, marketing, khả năng làm việc từ xa tại nhà,… với tỷ lệ "sống sót" của doanh nghiệp sau biến cố.
Trong bối cảnh như vậy, mọi nhà quản lý đều mong muốn đẩy mạnh tiến trình số hóa và chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nhu cầu nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng được dự báo sẽ tăng rất cao trong thời gian tới.
Lễ công bố Top 10 nơi làm việc tốt nhất trong ngành Công nghệ thông tin sẽ được công bố chính thức tại Diễn đàn “Tạo dựng môi trường làm việc tốt: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững” tổ chức vào tháng 21/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://bestemployer.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.