Đây cũng là 3 doanh nghiệp dẫn đầu tại Top 10 Bảng xếp hạng Công ty đón khách du lịch vào Việt Nam (inbound) uy tín 2019 cùng mảng đưa khách du lịch ra nước ngoài (outbound).
Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí chính gồm Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông; Khảo sát khách du lịch và chuyên gia trong ngành; Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2020.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 11/2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu lữ hành mạnh, có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường thế giới.
Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được cải thiện đáng kể. Thị trường châu Á vẫn chiếm thị phần cao nhất với 77,6% tổng số lượng khách; khách từ châu Âu chiếm 14,1%; khách châu Mỹ chiếm 6,1% và châu Úc chiếm 2,6% (tăng 0,5%). Nhóm khách có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm: Thái Lan có mức tăng trưởng cao nhất với 45,4%; Đài Loan (Trung Quốc) 27%; Indonesia 22%; Hàn Quốc 21%; Phillipines 20%.
Năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (chiếm 8% GDP). Tính đến 11 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 649.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đến nay, vị trí của Du lịch Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh dòng khách du lịch, là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Theo nhận định của Vietnam Report, đây là những nền tảng thuận lợi để nâng cơ hội và triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành du lịch, lữ hành Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, năm 2020, ngành Du lịch sẽ mang lại mức tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch tại Việt Nam sẽ dần chậm lại do khối lượng khách du lịch đang dịch chuyển tiệm cận ngưỡng mức trần tương đương với chất lượng hạ tầng du lịch Việt Nam hiện nay.
Các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị 5 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển ngành Du lịch – Lữ hành Việt Nam trong thời gian tới, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành du lịch đặc biệt chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch, cơ sở vật chất cao cấp; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thiết thực và hiệu quả.
Ngoài ra, đẩy mạnh quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch.
4 xu hướng của ngành Du lịch - Lữ hành Châu Á là điểm đến hấp dẫn được nhiều người Việt Nam lựa chọn khi du lịch nước ngoài Với khách du lịch Việt Nam, châu Á vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất với khoảng cách địa lý ngắn, miễn thủ tục visa, có nhiều tương đồng văn hóa, và có nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam đến các quốc gia châu Á của các hãng hàng không giá rẻ được đưa vào khai thác đã giúp khu vực này ngày càng được nhiều người Việt Nam lựa chọn trong chuyến du lịch nước ngoài. Theo kết quả khảo sát đối với nhóm khách từng đi nước ngoài, có đến 98,05% số người được hỏi lựa chọn châu Á là điểm đến của mình, tiếp đó là châu Âu (24,68%), châu Úc (12,99%), châu Mỹ (11,04%) và cuối cùng là châu Phi (3,25%). Xu hướng ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch và du lịch tự túc chiếm ưu thế Có 78,67% khách du lịch tham gia khảo sát của Vietnam Report phản hồi tìm kiếm tour từ một công ty du lịch qua mạng xã hội như Facebook, Instagram…, website du lịch (64,89%), hỏi người quen, bạn bè (64,44%), video và các bài viết của Travel blogger (32,44%). Các hình thức truyền thống như đài/truyền hình và báo/tạp chí/sách chiếm tỷ lệ thấp. Các doanh nghiệp cần tận dụng xu thế này để có kế hoạch kinh doanh phù hợp, tiết giảm chi phí. Nhiều khách du lịch trẻ tự lên kế hoạch cho chuyến đi của mình, tự tìm hiểu, và tự chuẩn bị mọi thứ cho chuyến du lịch. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report có 60,94% khách lựa chọn hình thức du lịch cá nhân tự túc, du lịch theo tour trọn gói xếp thứ hai với 57,81%, việc mua từng phần dịch vụ của tour du lịch chỉ chiếm tỷ lệ thấp 9,38%. Xu hướng lưu trú theo loại hình homestay ngày càng được ưa chuộng Cùng với sự phát triển của công nghệ, khách du lịch ngày càng có sự đa dạng trong lựa chọn phòng nghỉ. Bên cạnh lựa chọn hình thức khách sạn nghỉ dưỡng (chiếm tỷ lệ 77,43%), thì loại hình homestay ngày càng được ưa chuộng (56,19%), bởi có nhiều ưu điểm như chi phí rẻ, tiện nghi, không gian sáng tạo và tiện nghi. Xu hướng du lịch xanh Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, lĩnh vực du lịch cao cấp vẫn sẽ phát triển, xu hướng dựa vào bảo tốn, phát triển tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn bản sắc dân tộc sẽ trở thành những khía cạnh cần được chú ý và ưu tiên hàng đầu. Du lịch sinh thái, du lịch xanh sẽ ngày càng phát triển và nở rộ khi những nhận thức về bảo vệ môi trường của công dân toàn cầu ngày một tiến bộ. |