Ảnh minh họa: ĐTCK

Ảnh minh họa: ĐTCK

Công bố thông tin: Từ lý thuyết đến thực hành

Quy chế mới về công bố thông tin của các DN niêm yết (ban hành kèm theo Thông tư 09/2010/TT-BTC) là một bước tiến dài, giúp cuộc chơi của các NĐT nhỏ tại TTCK non trẻ của chúng ta ngày càng minh bạch, công bằng hơn.

Thứ nhất, nhân mùa ĐHCĐ thường niên đang diễn ra, xin nói chuyện liên quan đến việc chuẩn bị tài liệu cho đại hội. Những mùa đại hội năm trước, NĐT quen với việc các DN niêm yết đưa tin "có cũng như không". Chẳng hạn, Công ty X thông báo lịch họp cổ đông, nhưng phần nội dung (quan trọng nhất) thì lại "xin thông báo sau". Về nguyên tắc, cổ đông phải biết họp cái gì thì khi đi họp mới có ý kiến được. Tuy nhiên, sát ngày đại hội, thậm chí tới đại hội, các cổ đông mới biết nội dung tờ trình. Thời gian gấp gáp, làm sao có thể nghiên cứu thấu đáo để chất vấn, góp ý? Cứ đến mùa đại hội, trên thị trường lại rộ lên tin đồn về kế hoạch sản xuất - kinh doanh, thông tin chia thưởng, phát hành thêm của DN. Điều này tạo điều kiện hưởng lợi cho một nhóm nhỏ những người có lợi thế về tiếp cận thông tin, nảy sinh các giao dịch nội gián. Theo quy định mới, tối thiểu trước 7 ngày khi tiến hành đại hội, tài liệu của DN phải được đưa trên website để cổ đông tham khảo.

Thứ hai là chuyện công bố báo cáo tài chính (BCTC). Từ trước tới nay, NĐT muốn nghiên cứu tình tài chính của một DN niêm yết thường phải vào website của cơ quan quản lý để tìm thông tin. Bởi lẽ, rất ít DN tự công bố trên website của mình. Thậm chí, có DN còn chẳng có website. Quy định mới yêu cầu các DN phải có website, phải xây dựng mục quan hệ cổ đông, phải đăng BCTC và thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động với nhiều yêu cầu chặt chẽ khác.

Thứ ba là chuyện sử dụng tiền của HĐQT trước và sau những đợt phát hành thêm. Trước nay, phát hành thêm cổ phiếu, cổ đông đóng tiền, nhưng cũng chẳng biết nó được dùng vào việc gì, tiến độ ra sao. Quy định mới cho phép các "ông chủ" của DN biết tiến độ sử dụng vốn, do yêu cầu DN phải công bố tiến độ sự dụng vốn huy động từ các đợt phát hành.

Tuy nhiên, quy chế nêu trên được ban hành đến nay đã hai tháng, mà người viết thấy nhiều DN vẫn khá thờ ơ với quy định mới, dù Sở GDCK TP. HCM (HOSE) mới đây đã nhắc nhở. Đơn cử về việc triệu tập ĐHCĐ của CTCP Vạn Phát Hưng (VPH). Theo thông báo của VPH đăng tải trên website HOSE, ngày VPH triệu tập ĐHCĐ là ngày 13/3, nhưng tới tận chiều qua (11/3) vẫn không có bất cứ thông tin nào về địa điểm tổ chức, nội dung cuộc họp trên cả website của HOSE lẫn VPH.

Một ví dụ khác là cách công bố thông tin của CTCP Cao su Phước Hòa (PHR). Vừa qua, Công ty chủ động công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm với con số khả quan. Điều này nên khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề là cách DN làm: PHR chỉ gửi thông tin cho cơ quan quản lý, mà không công bố trên website Công ty. Về nguyên tắc, website của công ty cũng là cầu nối nhanh nhất giữa DN và NĐT. Cơ quan quản lý chỉ đóng vai trò giám sát, đảm bảo thông tin được công bố chuẩn xác và công bằng tới các NĐT, không nên và không thể "gánh" chức năng công bố thông tin cho DN.

Theo người viết, quy định mới về công bố thông tin có nhiều điểm tiến bộ, nhưng để thực sự đi vào thực tiễn, thì bên cạnh sự tự giác của DN, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác giám sát chặt chẽ. Với vai trò là tờ báo chuyên ngành có uy tín, ĐTCK cần tăng cường tính phản biện, nếu phát hiện các trường hợp DN không tuân thủ đúng như quy định nên có thông tin phản ánh kịp thời để cơ quan quản lý xử lý nghiêm. Điều này giúp thông tin đến với các NĐT nhỏ ngày càng công bằng và kịp thời, TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và phát triển hơn.