Tính cần thiết của việc sửa đổi này có lẽ không cần phải nói thêm nhiều bởi trong nhiều năm trở lại đây, các quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chiếm số lượng rất lớn là lỗi vi phạm về công bố thông tin.
Nếu tính riêng về lỗi, một trang điện tử đã thống kê năm 2014, UBCK đã ban hành 121 quyết định xử phạt hành chính và thu về… 10,3 tỷ đồng. Con số này thấp hơn năm 2012 với 167 quyết định, nhưng cao hơn con số 104 vụ năm 2013.
Còn nếu bóc tách riêng về lỗi công bố thông tin thì rất nhiều loại, chủ yếu là giao dịch không bố thông tin của các cá nhân, tiếp đến là doanh nghiệp. Tất nhiên, không phải lỗi nào của doanh nghiệp cũng tới mức vi phạm, nhưng giả sử nếu không đảm bảo việc cung cấp thông tin đều bị phạt thì chắc số quyết định của cơ quan quản lý sẽ lập nhiều kỷ lục.
Nhìn thử một thống kê cuối thời điểm cuối năm 2013, trong số 694 doanh nghiệp niêm yết thời điểm đó chỉ có 29 doanh nghiệp đảm bảo tốt việc công bố thông tin cho nhà đầu tư. Điều này có nghĩa, có tới trên 95% doanh nghiệp niêm yết chưa đảm bảo tốt yêu cầu này.
Thống kê năm 2014 chưa thấy có, nhưng một sự chuyển biến tích cực hơn… chắc khó!
Đi vào chi tiết, nếu đọc phần đối tượng phải công bố thông tin theo quy định của Thông tư 52, chỉ riêng phần tổ chức niêm yết và cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, số lượng đầu mục thông tin phải công bố đã lên tới vài chục. Và nếu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các yêu cầu này thì bức tranh hoạt động của doanh nghiệp sẽ khá minh bạch.
Nhưng với những gì đã diễn ra, điểm cần nói chính không phải là đầu mục mà là nội dung thông tin và cách thức công bố thông tin.
Một ví dụ nhỏ để minh họa điều này đó chính là ý kiến kiểm toán. Cứ đến mùa công bố thông tin tháng 3-4, nhà đầu tư sẽ được đọc hàng trăm ý kiến kiểm toán na ná giống nhau trên các trang mạng. Nhưng phần quan trọng nhất là phần lưu ý của kiểm toán thì khó tìm kiếm vô cùng.
Tương tự việc mua vào – bán ra cổ phiếu của cổ đông lớn, rất nhiều trường hợp một tổ chức hoặc cá nhân công bố mua vào lượng lớn cổ phiếu “vô tình” trùng hợp với các đợt chuẩn bị phát hành của doanh nghiệp. Sau đợt phát hành thành công, tổ chức hay cá nhân đã đăng ký mua lại rất “hồn nhiên” thông báo không mua được vì giá… không phù hợp.
Mới đây, chuyện công ty chứng khoán M. công bố mua vào cổ phiếu C. của doanh nghiệp sắp phát hành thêm, nhưng thay vì mua vào như công bố thì một quỹ khá liên quan tới công ty M. thậm chí bán ra khối lượng lớn khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ “mua theo” nhà đầu tư lớn M. đã phản ứng khá dữ dội.
Một chuyện nhỏ hơn nữa là công bố thông tin ở chỗ nào? Câu trả lời khá đơn giản, trên web của doanh nghiệp, trên các phương tiện công bố thông tin của cơ quan quản lý và các Sở, trên báo giấy và báo điện tử. Vấn đề là các trang mạng đã đủ an toàn chưa?
Theo một báo cáo của Bkav đưa ra năm 2014, có tới 40% trang web của doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam có lỗ hổng an ninh dễ bị kẻ xấu tấn công. Đặt một kịch bản là một doanh nghiệp bị tấn công mất dữ liệu, sau khi khắc phục được thì không đăng tải lại báo cáo những năm trước. Vậy khi đó nhà đầu tư tìm đọc tại đâu?
Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp vô tình hay hữu ý đăng tải các báo cáo dạng scan hình ảnh dung lượng thấp, có tính chất “đánh đố” người đọc thì không phải hiếm.
Có lẽ, trong môi trường như vậy, việc đăng tải bắt buộc trên các báo in một cách rõ ràng và đầy đủ, có thể lưu trữ lâu dài vẫn là một quy định cần phải yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.