Cố ý cung cấp thông tin không đầy đủ: Hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu
Quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng bảo hiểm đã được nêu rõ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Cụ thể, Điều 19 luật này quy định, cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đều phải có trách nhiệm cung cấp một cách đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, còn bên mua phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm.
Về hậu quả pháp lý trong trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật.
Quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng khi bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai dẫn đến hệ quả là, trong khoảng thời gian từ lúc hợp đồng bảo hiểm được giao kết đến thời điểm bị đơn phương đình chỉ, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm, cho dù bên mua không trung thực khi giao kết. Điều này là không hợp lý, bởi ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng, một bên đã không trung thực, ý chí của cả 2 bên khi giao kết hợp đồng là khác nhau và mục đích của việc giao kết đã không đạt được.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Điểm d, Khoản 1, Điều 22) cũng quy định: Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu (không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết) trong trường hợp bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng.
Về bản chất, việc lừa dối và cố ý cung cấp thông tin sai sự thật là giống nhau. Tuy nhiên, với 2 quy định nêu trên, sẽ có 2 cách áp dụng luật và hậu quả pháp lý cũng khác nhau. Nếu áp dụng Điều 19 để đình chỉ hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt từ thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm thông báo chấm dứt và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được thu phí tính đến thời điểm đình chỉ. Trường hợp áp dụng Điều 22 về hợp đồng vô hiệu, thì theo Điều 131 - Bộ luật Dân sự, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại.
Vì vậy, trên thực tế, việc áp dụng sẽ thiếu thống nhất. Các bên sẽ tùy ý sử dụng căn cứ “lừa dối” và “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” sao cho có lợi nhất cho mình. Có thể doanh nghiệp bảo hiểm sẽ áp dụng Điểm a, Khoản 2 - Điều 19 về đình chỉ hợp đồng để giữ được số phí bảo hiểm đã đóng của bên mua bảo hiểm, còn bên mua sẽ muốn áp dụng Điểm d, Khoản 1 - Điều 22 yêu cầu tòa tuyên hợp đồng vô hiệu để được nhận lại số phí bảo hiểm đã đóng (theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính).
Khắc phục điểm chưa thống nhất này, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã quy định: Một bên được quyền “hủy bỏ hợp đồng” khi bên kia cố ý cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc cung cấp sai sự thật. Điều này có nghĩa là hợp đồng bảo hiểm sẽ không có hiệu lực/không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc thỏa thuận trong hợp đồng.
Bổ sung nhiều quy định mới
Nguyên tắc trung thực tuyệt đối là nguyên tắc đầu tiên trong 5 nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Với tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến nghĩa vụ của các bên khi cung cấp thông tin. Theo đó, nguyên tắc trung thực tuyệt đối là nguyên tắc đầu tiên trong 5 nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Điều 16 luật này.
Cụ thể, các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Nguyên tắc trung thực là nguyên tắc được thừa nhận trong thông lệ bảo hiểm quốc tế, nhưng lần đầu tiên được nâng lên thành một quy định trong văn bản luật tại Việt Nam. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cung cấp thông tin của các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, Luật cũng yêu cầu chặt chẽ hơn đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin của mỗi bên. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, phải cung cấp cho bên mua bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm (Điều 20); còn bên mua bảo hiểm phải kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 21).
Để đảm bảo quyền lợi của các bên, tránh trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, mỗi bên phải lưu ý tìm hiểu kỹ yêu cầu cung cấp thông tin của bên kia và phải thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Đặc biệt, đối với các thông tin trong giấy yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi sức khỏe, bảng câu hỏi đánh giá khả năng tài chính… là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm, do đó bên mua cần lưu ý để tránh việc hợp đồng bảo hiểm bị hủy.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng bảo hiểm chưa được các bên coi trọng. Phần lớn cán bộ của công ty bảo hiểm khi gặp gỡ khách hàng để cấp đơn bảo hiểm đều không yêu cầu hoặc xem xét kỹ các thông tin mà bên mua bảo hiểm cung cấp, thậm chí là khai hộ thông tin hoặc chỉ thu thập thông tin cho đầy đủ hồ sơ, còn bên mua bảo hiểm cũng không đọc hoặc xem xét kỹ câu hỏi để đưa ra các thông tin chính xác theo yêu cầu. Đây là những lý do chính dẫn đến tranh chấp sau này.
Chẳng hạn, vụ tranh chấp giữa bên mua và công ty bảo hiểm tại Án lệ số 22/2018/AL. Theo nội dung án lệ, trả lời câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm về “loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật...”, bên mua bảo hiểm đánh dấu vào ô “không”. Tại biên bản hội chẩn bệnh viện, bên mua bảo hiểm khai có tiền sử đau dạ dày 2 năm. Căn cứ theo tài liệu này thì bên mua bảo hiểm có bệnh đau dạ dày từ trước thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm. Phía công ty bảo hiểm cho rằng, cụm từ “rối loạn tại dạ dày” bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày, trong đó có bệnh đau dạ dày, nhưng bên mua bảo hiểm không khai báo trung thực khi cung cấp thông tin. Tòa án nhận định, do nội dung câu hỏi của công ty bảo hiểm tại đơn bảo hiểm không rõ ràng nên bên mua bảo hiểm đã không khai báo bệnh sử đau dạ dày. Vì vậy, không có căn cứ để cho rằng bên mua bảo hiểm đã khai báo không trung thực và do đó, không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Thiết nghĩ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng, cụ thể, đồng thời hướng dẫn, giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm trong quá trình thu thập thông tin, còn bên mua trao đổi ngay với công ty bảo hiểm khi thấy nội dung không rõ ràng thì rủi ro tranh chấp đã không xảy ra.