Tại buổi lễ công bố còn có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế như đại Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Văn phòng Liên hiệp quốc về phòng chống Ma túy và Tội phạm UNODC…, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Trung ương Hội luật gia, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Sau hơn 1 năm thi hành bộ luật, cho đến nay, có rất nhiều điều luật Quốc hội giao cho Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn, đó có các loại tội thu hút sự quan tâm của người dân như tội Dâm ô trẻ em, các tội phạm xâm phạm bảo hiểm, tội Rửa tiền…
Theo ông Bình, Bộ luật Hình sự trước đây đã quy định về tội Rửa tiền. Khi tổng kết bộ luật cũ, Bộ luật Hình sự 2015 đưa ra điều 324, khắc phục được các mặt hạn chế của quy định cũ. Để thuận tiện cho việc áp dụng và thống nhất áp dụng trong toàn quốc, Quốc hội đã yêu cầu TAND tối cao ban hành Nghị quyết làm rõ điều luật này.
“Trên thế giới, tội phạm rửa tiền không mới, nhiều nước có kinh nghiệm điều tra, xét xử và có khoa học pháp lý hoàn chỉnh. Tại Việt Nam, đây là đối tượng mới, yêu cầu đặt ra là với ban hành Nghị quyết này sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thuận tiện nhằm đấu tranh phòng chống tham nhũng, đặc biết là tội Rửa tiền có liên quan đến các loại tội phạm nguồn khác nhau”, ông Bình cho biết thêm.
Cũng theo ông Bình, việc ban hành Nghị quyết còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các công ước quốc tế đã tham gia.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao chia sẻ, trước đây, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng mới chỉ chủ yếu xem xét tội phạm nguồn, không xử lý được tội Rửa tiền. Do đó, phải gắn tội phạm rửa tiền với tội phạm nguồn, trong đó, Nghị quyết quy định những hợp người phạm tội biết hoặc buộc phải biết nguồn tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có, hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác…
Nghị quyết 03/2019 có 6 điều, trong đó có 3 điểm mới là quy định rõ tội phạm nguồn là những tội phạm nào, địa hạt của tội Rửa tiền, và việc không loại trừ truy tố tội phạm rửa tiền và tội phạm nguồn.
Cụ thể, nghị quyết quy định chi tiết thuật ngữ tiền, tài sản; tiền, tài sản do phạm tội mà có; các trường hợp biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có; danh sách tội phạm nguồn mà tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền, một số tình tiết định tội, định khung hình phạt…
Theo Nghị quyết, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Được biết, Nghị quyết này được thông qua ngày 23/5/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/7/2019 tới đây.