Condotel không chỉ ở ven biển

Condotel không chỉ ở ven biển

(ĐTCK) Không chỉ tại các địa phương ven biển, loại hình sản phẩm căn hộ - khách sạn (condotel) cũng xuất hiện tại các thành phố lớn như TP.HCM.

Condotel ở TP.HCM

Tại Hội thảo “Xu thế sở hữu bất động sản: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM thời gian trước, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam cho biết, hiện TP.HCM đã có những dự án condotel xuất hiện.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cũng đồng quan điểm này với bà Dung.

Những dự án tại TP.HCM mà các đơn vị nghiên cứu cho rằng có sản phẩm theo hình thức condotel là Dự án Feliz en Vista tại khu Thạch Mỹ Lợi, quận 2. Dự án này do CapitaLand làm chủ đầu tư với 4 block, gồm 873 căn hộ, trong đó block thứ 4 là căn hộ dịch vụ cho thuê. Tòa căn hộ dịch vụ cho thuê này sẽ được công ty con của Tập đoàn CapitaLand là Ascott quản lý, dưới thương hiệu quen thuộc Somerset.

Hay như dự án căn hộ The Signial tại quận 7 do Công ty Bất động sản An Gia và quỹ Creed Group (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 66.000 m2, gồm 2 block, mỗi block cao 33 tầng, dự kiến cung ứng hơn 1.100 căn hộ. Mỗi căn hộ The Signial được thiết kế với diện tích 31 m2 và 39 m2.

Cả hai dự án này đều có căn hộ được bán và khai thác theo hình thức condotel, tức khách hàng mua căn hộ rồi giao lại cho chủ đầu tư khai thác cho thuê vận hành và các chủ đầu tư sẽ cam kết lợi nhuận hàng năm cho khách hàng. Những dự án nay đều có sở hữu dưới 50 năm.

Bà Dung cho biết, tên condotel nghĩa là căn hộ khách sạn. Condotel được hiểu là Condo (căn hộ) kết hợp với Hotel (khách sạn) và trên thế giới, khái niệm condotel được hiểu là khi chủ đầu tư bán căn hộ, thì căn hộ ấy bắt buộc phải đưa về lại cho chủ đầu tư để vận hành.

“Người mua chỉ được quyền dùng căn hộ đó 1 tuần hoặc 2 tuần trong một năm, đây mới gọi là condotel. Còn hiện tại, Việt Nam không có một định nghĩa chuẩn nào về condotel cả, người thì thích giữ lại, người thì thích ký gửi căn hộ đã mua và gọi chung là condotel, nhưng không đúng với định nghĩa condotel mà thế giới đang áp dụng. Ở TP.HCM bắt đầu nhen nhóm có những dạng dự án mà chủ đầu tư bán căn hộ, sau đó họ yêu cầu người mua phải giao lại căn hộ để họ vận hành giống như có một khách sạn”, bà Dung nói.

Với trường hợp CapitaLand, theo bà Dung, với tư cách là chủ đầu tư, đơn vị này sẽ vận hành theo một dạng được gọi là “Serviced Apartment - căn hộ dịch vụ” và cho thuê dài hạn.

Nếu theo dạng Hotel, tức là cho thuê ngắn hạn theo ngày. Còn  CapitaLand áp dụng hình thức cho thuê dài hạn theo tháng, có thể là 1 - 2 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, dưới thương hiệu là Somerset - căn hộ dịch vụ cho thuê.

Đây là một hình thức mà nếu nói đúng về định nghĩa thì rất gần giống với condotel, tức là chủ đầu tư bán nhưng sau đó người mua phải gửi lại để chủ đầu tư vận hành giống như một khách sạn.

Không nên quá coi trọng về thời gian sở hữu

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý chuẩn cho loại hình condotel, tạo ra mối lo lớn cho khách hàng khi mua loại căn hộ này trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, khi mua nhà, người mua nên bớt lo lắng về khái niệm nó là condotel hay gì, mà xem đó là một sản phẩm để mua. Quan trọng là người mua phải tìm hiểu những thỏa thuận, cam kết rõ ràng ngay từ đầu của chủ đầu tư: Đó là quyền sở hữu 50 năm hay vĩnh viễn đối với việc mua bất kỳ một sản phẩm gì.

“Tôi cũng biết một vài chủ đầu tư đã không thực hiện đúng như cam kết. Khi làm hợp đồng họ hứa hẹn là sản phẩm sở hữu lâu dài, nhưng khi rà soát lại chỉ được sử dụng 50 năm, gây bất lợi cho người mua. Đứng về phía người mua, tôi cho rằng, dù có sự cẩn trọng trong vấn đề tìm hiểu, tìm hiểu tại các cơ quan quản lý, nhưng thực sự không dễ để có thể kiểm tra, nếu có cũng rất mất thời gian. Chính vì vậy, người mua nên lựa chọn các chủ đầu tư uy tín để giảm thiểu rủi ro”, bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, cách để người mua bảo vệ chính mình là phải tìm hiểu các dự án tương đồng trong cùng một khu vực. Chẳng hạn, cả khu vực, dự án nào cũng sở hữu chỉ 50 năm, riêng dự án mình đang nhắm tới sở hữu vĩnh viễn, thì người mua phải có sự đề phòng, nghi ngại.

Đánh giá về thị trường condotel, bà Dung cho rằng, trước đây, người mua nhà thường có tâm lý phải là sở hữu vĩnh viễn, nên khi biết mua các dự án condotel chỉ được sở hữu 50 năm, họ rất thất vọng. Tuy nhiên, khách hàng dần thấy rằng, đối với những căn hộ dịch vụ như condotel, mục đích mua chủ yếu là để đầu tư, không phải để ở, nên cũng không còn quá quan trọng chuyện thời gian sở hữu.

Đồng thời, các chủ đầu tư khi bán cũng không còn “đánh lận con đen”, mà chỉ rõ dự án sở hữu 50 năm, nhưng người mua có lợi suất, lợi nhuận theo hàng năm hàng tháng, chứ không phải kỳ vọng vào lợi nhuận trong tương lai khi được sở hữu vĩnh viễn. Với sự rõ ràng từ phía chủ đầu tư, người mua cũng dần chấp nhận câu chuyện sở hữu 50 năm.

“Dù thị trường condotel thời gian gần đây chững lại vì các chủ đầu tư chờ đợi khung pháp lý, nhưng không có nghĩa là không có dự án nào được chào bán và không có giao dịch. Người mua xác định mua để cho thuê, nên họ nhìn vào tỷ suất sinh lợi là chủ yếu, chứ không phải là thời gian sở hữu”, bà Dung đánh giá.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cũng cho rằng, hiện nay TP.HCM có những dự án được phát triển theo hình thức condotel, tuy nhiên vì luật chưa rõ ràng cho loại hình này, nên những doanh nghiệp chọn tên khác cho các loại hình căn hộ này ví dụ như Smartel.

“Nói chung, cái tên không quan trọng bằng việc sản phẩm vận hành như thế nào, nó có mang lại lợi nhuận cho khách hàng hay không, có rõ ràng về mặt pháp lý hay không”, ông Hậu nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Tin bài liên quan