Ảnh Internet
Ý kiến “cảnh tỉnh” cũng không phải không có lý khi cho rằng, văn bản hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở được Bộ Bộ Tài nguyên - Môi trường gửi đến các sở trực thuộc không có nhiều điểm mới. Nó chỉ “xác quyết” lại rằng, đối với đất dành cho dự án kinh doanh dịch vụ thì đó phải là đất thương mại, dịch vụ và việc cấp giấy chứng nhận sở hữu sẽ phải tuân theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, chỉ riêng việc Bộ có văn bản hướng dẫn này tự thân nó đã là một điểm mới đáng chờ đợi sau rất nhiều tháng những tiếng kêu giải cứu condotel (và các sản phẩm bất động sản mới khác) không được phản hồi. Nó như cơn mưa rào giải khát giữa cái nóng bức bối để những thành viên thị trường ít nhất cũng có thêm tin tưởng để chờ đợi.
Cần biết rằng, trong suốt gần 3 năm qua, condotel vẫn là chủ điểm nóng trên các sự kiện, diễn đàn cả lớn lẫn nhỏ do những phức tạp xung quanh việc "nên hay không nên" thừa nhận condotel là một loại hình căn hộ thông thường và cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình căn hộ này.
Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước, cho đến nay, hàng vạn căn hộ condotel đã được bán ra thị trường. Trong đó, những nơi sôi động nhất là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, khi đang nở rộ, loại hình sản phẩm này bất ngờ phải đình trệ khi khung pháp lý dù được cơ quan soạn thảo liên tục thảo luận nhưng vẫn chưa thể ban hành.
Tâm lý nhà đầu tư muốn được cấp sổ đỏ vĩnh viễn để trao đổi, chuyển nhượng, thừa kế, nhưng condotel lại bị chi phối bởi hai luật Du lịch và Nhà ở. Điều này làm người mua băn khoăn, chủ đầu tư thì không biết vận dụng theo luật nào, còn Nhà nước thì lúng túng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sự phát triển của condotel.
Tất nhiên, không ngoại trừ nhiều vấn đề hiện nay của condotel cũng được phản ánh như tình trạng cam kết quá cao lợi nhuận, nhưng lại không thể thực hiện được. Tuy nhiên, lo ngại của người mua về việc tài sản của mình không được pháp luật bảo hộ khi không có giấy chứng nhận là nguyên nhân chính.
Theo phân tích của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, về cơ bản, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động dựa trên 2 nguồn thu nhập chính, 1 là bán bất động sản nghỉ dưỡng, thứ 2 là từ các hoạt động, dịch vụ giải trí ở các dự án này. Trong giai đoạn đầu tiên, để đảm bảo thực hiện cam kết, các chủ đầu tư thường hy sinh trước phần thu nhập từ bán hàng của mình rồi sau đó mới bù vào bằng doanh thu dịch vụ nghỉ dưỡng về sau.
Trong thời điểm khi không được đảm bảo pháp lý cho tài sản của mình, khách hàng sẽ chùn bước khi xuống tiền đầu tư vào condotel, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư rất dễ rơi vào tình trạng "giật gấu vá vai" khi doanh thu không đủ bù trả cam kết lợi nhuận cho khách hàng.
Vì vậy, câu chuyện khung pháp lý cho condotel là điều buộc phải có nếu muốn loại hình này phát triển.
Trở lại với Văn bản số 703 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tất nhiên, nhìn một góc độ nào đó, văn bản này nội dung không có quá nhiều khác biệt, vì nội dung hướng dẫn thực hiện đều dựa trên tinh thần các quy định pháp luật trước đây như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, trong đó, nhiều quy định theo phân tích của một số luật sư và các thành viên thị trường, cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng khi mới chỉ xác định phương hướng cho việc ra sổ đỏ, mà chưa quyết định rõ condotel liệu sẽ được cấp sổ đỏ hay không. Chưa kể, văn bản dường như chưa tính đến một số loại hình cũng cần phải cân nhắc cấp phép như nhà phố du lịch hay còn gọi “boutique du lịch”, hoặc “shoptel” đang tồn tại trong nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng hiện nay.
Dẫu vậy, nhìn một cách toàn diện, văn bản này có thể là sự khởi động cho tiến trình hoàn thiện khung pháp lý của loại hình condotel. Và đây được xem là tín hiệu mừng đối với condotel nói chung sau khoảng thời gian “đứng hình” vì hàng loạt vướng mắc liên quan đến pháp lý.
Điều này rất quan trọng không phải bởi đã tồn tại hàng chục ngàn căn condotel hiện hữu, mà sản phẩm này vốn rất cần cho hạ tầng du lịch còn thiếu thốn tại Việt Nam.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com