Món quà đặc biệt
Sau 45 năm hoạt động, Traphaco đã trở thành ngôi nhà lớn thứ hai của rất nhiều người, không ít gia đình có hai, ba thế hệ làm việc trong Công ty. Vậy nhưng, kết quả khảo sát nguồn nhân lực của Traphaco vừa được Anphabe công bố vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Có lẽ bấy lâu nay, sự gắn bó, lòng trung thành và những đam mê cháy bỏng trong công việc đã trở thành nét văn hóa thường nhật của người Traphaco, đến đỗi họ ít khi nghĩ tới.
827 nhân sự, cả nhân viên và cấp lãnh đạo, làm việc ở tất cả các khối như kinh doanh, marketing, tài chính, quản trị rủi ro, tổ chức hành chính, nghiên cứu, kiểm tra chất lượng, sản xuất... tập trung nhiều nhất ở các nhân viên có thâm niên 6 - 11 năm, đã tham gia cuộc khảo sát. Kết quả, so với các doanh nghiệp cùng ngành và rộng hơn, so với mặt bằng doanh nghiệp trong nước, nhân viên Traphaco đều có xu hướng gắn kết lý trí và gắn kết tình cảm cao hơn.
Chỉ số hạnh phúc của nhân viên Traphaco đạt 82,7 điểm, cao hơn hẳn mức trung bình ngành và toàn thị trường. Cụ thể, chỉ số chung của ngành dược là 64,8 điểm (khảo sát thực hiện tại 1.749 nhân sự ngành dược) và của Việt Nam là 63,1 điểm (khảo sát thực hiện với 26.128 người lao động ở các ngành nghề).
Nhân viên Traphaco thể hiện tích cực nhất ở 3 biểu hiện: Tin tưởng vào Công ty, gắn bó với đồng nghiệp và chia sẻ tích cực về Công ty.
Anphabe nhận xét, Traphaco gây dựng được lòng tin tốt ở nhân viên. Tất cả các biểu hiện của nhân viên Traphaco đều tích cực hơn hẳn, tạo ra các khoảng cách lớn với trung bình ngành. Đặc biệt, ưu thế “tốt so với nhiều nơi làm việc tương tự”, sự “tin tưởng vào tầm nhìn và chiến lược Công ty” và “thấy tương lai của mình ở đây” của nhân viên đã góp phần giúp Traphaco gia tăng được lòng trung thành so với thị trường.
Nhân viên Traphaco đang có gắn kết lý trí, tình cảm và xu hướng cam kết gắn bó lâu dài thuộc nhóm xuất sắc trên thị trường Việt Nam.
Kết quả này cùng với những con số về kinh doanh đã chứng minh chiến lược 2017-2020 mà ông Trần Túc Mã là người kiến tạo, đã được Đại hội đồng cổ đông Traphaco thông qua vào đầu năm nay đang theo đúng lộ trình.
Trong bản chiến lược ấy, bên cạnh những mục tiêu đầy tham vọng, thể hiện trên những con số như phấn đấu giá trị vốn hóa thị trường đạt 10.000 tỷ đồng, tổng doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2020, còn có một phần quan trọng đề cập đến yếu tố con người với mục tiêu tạo ra sự thành công và hạnh phúc của mỗi người lao động.
81% nhân viên muốn gắn bó lâu dài với Công ty và không cởi mở với các cơ hội nghề nghiệp khác so với trung bình ngành dược là 58,2%; 87,3% nhân viên coi trọng và yêu thích những trải nghiệm khi làm việc tại Công ty so với trung bình ngành là 70%.
Đọc những con số này, tôi nhớ đến hình ảnh những kỹ sư, dược sĩ
Traphaco mà tôi có dịp tiếp xúc trong chuyến khảo sát vùng trồng dược liệu sạch Traphaco của người dân tộc H’mong, Dao đỏ trên vùng núi cao Sapa mới đây.
Nắng gió, những vất vả nơi vùng cao ít nhiều khiến gương mặt họ sạm lại, nhưng họ luôn làm việc và nói về những công việc đang làm với sự say sưa, nhiệt tình. Điều đó bắt nguồn từ khát khao được cống hiến, tạo ra những sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị hiệu quả cao, được làm những việc có ích cho đời, góp phần xóa đói nghèo trên các bản làng...
Khi người lao động tại Traphaco hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống và công việc, họ sẽ nỗ lực và công phá được những tường thành trì trệ, chạm tới những giới hạn tưởng chừng không thể với tới.
Kết quả trên là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Traphaco, trong đó có vai trò rất lớn của CEO Trần Túc Mã. Như ông đã từng chia sẻ: “Chiến lược của Traphaco có thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào người xây dựng chiến lược như tôi, như Ban chiến lược, mà phụ thuộc vào chính từng người Traphaco ở đây. Hạnh phúc, hài lòng hay không cũng là do người Traphaco”.
Kim chỉ nam trong hoạt động
Vào tháng 11 tới, Traphaco sẽ chính thức đưa nhà máy sản xuất dược Việt Nam tại Hưng Yên vào vận hành thương mại. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 5/2015 với công suất 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm.
Như vậy, bên cạnh mảng Đông dược luôn giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường với danh mục sản phẩm phong phú, đã tạo được dấu ấn đậm nét trên thị trường dược phẩm Việt Nam như thuốc bổ gan Boganic, hoạt huyết dưỡng não Cebraton, Tottri..., Traphaco sẽ bước chân mạnh mẽ hơn vào mảng tân dược với các sản phẩm sản xuất theo công nghệ cao như thuốc nhỏ mắt, siro ho…
Ở dự án này, Công ty đầu tư những công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới như Mỹ, Italy và Canada. Ông Mã chia sẻ, khi lựa chọn công nghệ, có khá nhiều giải pháp được đưa ra, song Ban lãnh đạo Công ty quyết định, Traphaco sẽ tập trung vào những công nghệ hàng đầu trên thị trường, đón đầu xu hướng phát triển các sản phẩm chất lượng cao trên thế giới. Các dây chuyền được đầu tư đồng bộ, sản xuất tự động, liên hoàn, năng suất cao, sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đồng nhất, đảm bảo hiệu quả điều trị ở mức tốt nhất có thể.
Đó là một trong nhiều dự án liên tục được Traphaco triển khai trong vòng 3 năm gần đây. Đổi mới, sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi, ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, quản trị... đã trở thành một nét văn hóa của Traphaco. Đây cũng là vũ khí cạnh tranh giúp Traphaco trở nên minh bạch và phát triển bền vững.
Một vũ khí cạnh tranh khác nằm ở cái tâm của người Traphaco. Dược là ngành nghề đặc biệt, đề cao y đức và trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân. Lợi nhuận, với doanh nhân Trần Túc Mã quan trọng, nhưng không phải là số 1. Trong bất cứ dự án nào, nguyên tắc quản trị “đồng lợi” đều được ông triển khai nhất quán. Người lao động được khuyến khích làm việc, được tưởng thưởng xứng đáng, cổ đông được hưởng cổ tức, đồng thời với giá trị cổ phiếu gia tăng, nhà phân phối có lợi nhuận và duy trì sự ổn định...
Vị CEO này tâm sự, giữ được sự cân bằng trong rất nhiều trường hợp là vô cùng khó khăn, nhưng nếu hành xử dựa trên một tâm thế luôn vì cái chung, vì sự đồng lợi, CEO sẽ tìm được giải pháp đúng, sẽ thuyết phục được mọi người đồng lòng, ủng hộ cho sự thay đổi.
Một nhà đầu tư lớn đã nhận xét rằng, Traphaco may mắn khi có CEO hội tụ được nhiều yếu tố lý tưởng, cả về chuyên môn (ông Mã có bằng Thạc sỹ Dược học), về thương mại (ông Mã từng lãnh đạo bộ phận kinh doanh suốt 11 năm và định hướng kịp thời cho Traphaco chiến lược chuyển đổi kênh phân phối OTC...). Còn những người hay quan sát lại thấy ông luôn có tâm thế của một vị CEO “chịu khó học hỏi”, ông đặc biệt quan tâm đến các phương thức quản trị hiện đại và những công cụ giúp cho hoạt động của Traphaco được tổ chức bài bản và đạt hiệu quả.
Quản trị là môn nghệ thuật không có điểm dừng, nhất là khi thế giới đang đổi thay chóng mặt, công nghệ đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp. Câu chuyện của nhiều "người khổng lồ" trên thế giới đã cho thấy, nếu không có chiến lược quản trị sáng tạo, quản trị sự thay đổi, doanh nghiệp khó có thể trường tồn.
Sự đồng lòng trong việc “Tin tưởng vào tầm nhìn và chiến lược Công ty” cũng như “Thấy tương lai của mình ở đây” trong câu trả lời của những người lao động Traphaco là nguồn động viên lớn lao với CEO Trần Túc Mã. Nhưng, ẩn sau những câu nói đó cũng là sự gửi gắm, là biết bao kỳ vọng mà rất nhiều thế hệ đang đặt trọn niềm tin vào vị thuyền trưởng, với mong ước ông sẽ vững tay chèo lái con tàu Traphaco thẳng hướng theo hải trình đã lựa chọn.