Xu hướng tăng của giá vàng được thúc đẩy bởi lực mua kỷ lục của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc, Ba Lan, Singapore, nhằm phòng ngừa nguy cơ giảm giá của USD, sau khi Mỹ và phương Tây tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến xung đột với Ukraine (trong đó có tính đến việc xử lý khoản dự trữ vàng và ngoại hối trị giá hàng trăm tỷ của Nga).
Tổng nhu cầu vàng thế giới năm 2023 cao kỷ lục là 4.899 tấn, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và các ngân hàng trung ương tiếp tục mua ròng 1.037 tấn (năm 2022 mua 1.136 tấn, tăng vọt so với mức 450 tấn năm 2021).
Đặc biệt, những tháng gần đây, vàng đón nhận “làn gió thứ hai” là hoạt động mua sắm “phi thường” của người tiêu dùng Trung Quốc khi tìm kiếm một nơi an toàn để gửi gắm đồng tiền, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản sụt giảm.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Trung Quốc là điểm sáng chính trên toàn cầu về dòng vốn đầu tư và trang sức vàng năm 2023, khi thị trường tài sản, vốn cổ phần và tiền tệ địa phương gây thất vọng. Cùng với nhu cầu lớn từ các ngân hàng trung ương, nhu cầu về vàng của nhà đầu tư Trung Quốc đã góp phần đẩy giá vàng lên mức cao mới.
Trong năm 2023, nhu cầu đầu tư của Trung Quốc đối với vàng miếng và vàng xu tăng 28%, lên 280 tấn, bù đắp sự sụt giảm ở châu Âu. Bên cạnh đó, tiêu thụ đồ trang sức của đất nước có dân số đông nhất thế giới tăng 10%, lên 630 tấn, trong khi nhu cầu toàn cầu không thay đổi.
Ông Colin Hamilton, nhà phân tích tại BMO cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc đối mặt với một “cuộc cạnh tranh tồi tệ” về việc dồn số tiền tiết kiệm khổng lồ mà họ đã tích lũy được trong đại dịch Covid-19 vào đâu.
“Việc tiếp xúc với vàng đã trở thành một điều cần thiết đối với các danh mục đầu tư của Trung Quốc khi họ tiếp tục quan ngại tình trạng giảm phát và thu nhập không chắc chắn”, ông Colin Hamilton nói và cho rằng, vàng đang ở một kỷ nguyên mới, phá vỡ mối tương quan với lãi suất thực và thay vào đó được thúc đẩy bởi các ngân hàng trung ương và hộ gia đình ở Trung Quốc.
Ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault cho biết, nhu cầu tăng cao ở quốc gia tiêu dùng vàng số 1 không có dấu hiệu giảm bớt.
Ông Ross Norman, Giám đốc điều hành Metals Daily nhận xét: “Vàng tiếp tục chảy về phương Đông”.
Trong khi đó, đồng USD có khả năng yếu đi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được nhận định sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024, sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây không như kỳ vọng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất tại Mỹ của ISM cho thấy, hoạt động sản xuất trong tháng 2/2024 giảm xuống 47,8 từ mức 49,1 của tháng 1 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 49,5, đánh dấu giai đoạn hoạt động sản xuất suy yếu tháng 16 liên tiếp (chỉ số ở dưới ngưỡng 50).
Triển vọng lãi suất giảm giúp vàng hấp dẫn hơn, đẩy giá vượt xa mức mà thị trường gọi là “ba đỉnh” trước đó quanh mốc 2.070 USD/ounce, khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, xung đột Nga - Ukraine diễn ra năm 2022 và cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ nổ ra vào năm ngoái.
Các nhà giao dịch hiện đặt 85% xác suất Fed sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất đầu tiên vào tháng 6/2024, tăng so với xác suất 70% một tuần trước. Theo đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ gần đây đi xuống, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm còn 4,56%.
Ngoài ra, giao dịch đầu cơ góp phần đẩy giá vàng đi lên. Giao dịch hợp đồng tương lai vàng trên sàn Comex cho thấy, các nhà giao dịch quyền chọn dự đoán giá vàng thỏi sẽ tiếp tục tăng.