Khi nhiều người mua USD, thị trường tự do sẽ tự động nâng giá để nhanh chóng kiếm lời

Khi nhiều người mua USD, thị trường tự do sẽ tự động nâng giá để nhanh chóng kiếm lời

Cơn sốt USD: Rủi ro của kẻ đến sau

(ĐTCK-online) Trong những ngày đầu tuần qua, thị trường ngoại tệ đã chứng kiến một sự tăng giá khá nhanh của đồng USD, có những lúc giá USD trên thị trường tự do đã xấp xỉ 18.000 đồng/USD. USD tăng giá một phần là do có nhiều mối lo ngại về tình hình kinh tế như lạm phát, thâm hụt thương mại và nỗi lo USD cho thanh toán xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc USD tăng từ 16.500 đồng lên đến trên 17.000 đồng/USD trong vòng 2 ngày thì không chỉ đơn thuần là nỗi lo về tình hình cơ bản của nền kinh tế mà còn do tâm lý đầu cơ, trong đó có cả tâm lý bầy đàn.

Nỗi lo ngại: quá nhiều thứ để lo

Hiện tại, với việc nhập siêu của Việt Nam lên đến 14,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm và CPI tháng 5 tăng 3,91%, người dân lo ngại nền kinh tế xấu đi và sẽ tìm kiếm kênh cất trữ bảo toàn tài sản. Hai loại tài sản được quan tâm nhất là USD và vàng, vì thế giá USD và vàng đều tăng. Nếu như vàng tăng giá còn do tác động của giá vàng quốc tế thì tương quan USD/VND hoàn toàn là xuất phát từ những nỗi lo bên trong của nền kinh tế. Lạm phát cao, thâm hụt thương mại ngày càng lớn, TTCK sụt giảm, bất động sản đứng trước nguy cơ giải chấp... là những nhân tố cơ bản khiến người dân lo ngại và đi mua USD vào.

 

Tâm lý bầy đàn: sự hoảng loạn

Tuy nhiên, nếu chỉ xuất phát từ những vấn đề nội tại thì có lẽ lực thị trường không đẩy đồng USD tăng giá nhanh đến vậy. Việc nhập siêu, lạm phát, sụt giảm thị trường đều diễn ra một cách từ từ do có sự điều chỉnh từ phía Nhà nước (ngay cả giá chứng khoán cũng được duy trì giảm từ từ cả tháng trời) và bàn tay vô hình của nền kinh tế. Vấn đề USD tăng giá mấy ngày qua còn xuất phát từ tâm lý đầu tư bầy đàn, người này bảo người kia rằng “hãy mua USD vào”. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể mua USD trên thị trường tự do, dung lượng vốn không quá lớn và thường có tính “nương theo chiều gió”.

Khi bắt đầu phát hiện nhiều người mua USD, thị trường tự do sẽ tự động nâng giá USD để nhanh chóng để kiếm lợi, đồng thời phát ra các “thông tin phân tích hành lang” về lý do vì sao USD tăng giá. Kết quả là quá trình tăng giá USD tự do này, đi cùng với những kênh thông tin hành lang kia đã góp phần tạo ra một sự hoảng loạn cho những “người đến sau”. Những nhà đầu tư chậm chân này đi theo tiếng gọi của số đông và với tâm lý lo sợ mình là người đến sau nên càng quyết tâm chấp nhận mua USD vào với giá cao hơn. Vòng xoáy này đẩy giá USD trên thị trường lên nhanh và vượt qua những gì các yếu tố cơ bản đang thể hiện. Đó là do sự hoảng loạn kết hợp với kỳ vọng của họ về việc USD còng tăng giá nhiều, vì họ không có đủ thông tin rằng hiện tại nhu cầu USD chính thức cho thanh toán, cho bù đắp dự trữ và nguồn USD mà NHNN và ngân hàng thương mại nắm giữ có đủ cho mọi người hay không(?) Rõ ràng, khi mà tin kinh tế xấu đến hàng loạt, giá USD lên hàng giờ và nhà đầu tư hoảng loạn, thì USD cũng tăng một cách thiếu kiểm soát. Đây có thể xem là trạng thái “hưng phấn bất hợp lý” (irrational exuberance) của đồng USD.

 

Lên nhanh có xuống nhanh?

Tình hình rối loạn tạm thời vài ngày qua đã xuất hiện rủi ro đối với những người mua USD, đó là rủi ro của sự rối loạn. Khi nhiều người đua nhau đi mua USD cất trữ mà không tính toán mình sẽ sinh lợi được bao nhiêu, góp phần đẩy đồng USD đi lên nhanh hơn quá mức so với những gì mà các biến số kinh tế biểu hiện, thì tất yếu sẽ đặt người giữ USD và sắp mua USD vào trạng thái rủi ro.

Thông thường, người ta tiếp tục đổ vào mua một tài sản đang tăng giá nhanh vì tin rằng, nó sẽ tăng tiếp. Những lần sốc “gạo”, sốc “chứng khoán”, thậm chí là mua xăng dầu tích trữ vì sợ giá xăng lên gần đây minh chứng cho tâm lý này. Và chính ý tưởng “USD lên nhanh và rồi sẽ còn lên nhanh hơn nữa” là lực thị trường chính đẩy giá USD tiếp tục tăng. Tuy nhiên, khi giá USD tăng lên một mức nhất định mà người mua vào từ lúc đầu đã lời đáng kể, trong vòng 1-2 ngày, họ sẽ bán USD ra. Và những người đi sau thấy mình bị hớ cũng chạy theo. Vậy là USD sẽ sụt giá nhanh. Lên nhanh rồi giảm giá nhanh, những diễn biến trên thị trường vàng, tiền tệ thế giới, hay TTCK của nước ta từ năm ngoái đến năm nay là minh chứng khá tốt cho điều này.

Vậy, trong tình hình USD tăng giá hiện nay, những người mua USD  với mục đích hưởng lợi lần cuối cùng sẽ dễ dàng hứng chịu rủi ro của kẻ đến sau, hay rủi ro do sự rối loạn gây ra. Một lần nữa, chỉ những người phản ứng trước và những tổ chức làm trung gian mua bán USD hưởng lợi. Âu cũng là yếu tố bình thường của nhiều thị trường, nhà đầu tư đến trước - những người có thông tin - và những người đóng vai trò trung gian đem người mua với người bán lại với nhau, luôn là những người có nhiều lợi ích nhất.