Lê Tiến là hướng dẫn viên du lịch outbound, chuyên dẫn khách đi tour Singapore của một công ty du lịch tại TP HCM. Tận dụng các khung giờ rảnh, anh nhận mua hàng xách tay về Việt Nam.
Anh cho biết lượng khách khá ổn định và tăng dần đều. Họ là những người trung lưu mà anh phân làm hai dạng.
“Khách có hai dạng, một là 'giàu từ trong trứng giàu ra'. Họ cứ thích là đặt mua, không quan tâm đến giá cả. Hai là phất lên nhờ công việc. Những người này thì thấy hợp lý sẽ mua. Giá có đắt nhưng họ thấy xứng đáng là không hề do dự”, hướng dẫn viên này kể lại.
Tiến chủ yếu xách tay quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Dù thị trường Việt Nam giờ không thiếu hàng hiệu nhưng theo anh khách vẫn chuộng đồ ngoại.
Họ thích những mẫu không bán ở thị trường nội địa để khác biệt. Đôi khi, anh nhận lời mua giúp những sản phẩm bản giới hạn của Dior hay Gucci. Quy ra tiền Việt cũng hơn 70 đến 80 triệu đồng mỗi món.
Tầng lớp trung lưu không chỉ giúp những tiếp viên hàng không hay hướng dẫn viên du lịch như Tiến kiếm thêm thu nhập. Lực lượng này đang trở thành "thượng đế" của rất nhiều doanh nghiệp ngoại, đủ mọi ngành nghề đang làm ăn ở Việt Nam.
Ông Daryl Tay - Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhận định, trung lưu Việt mua hàng xuyên biên giới ngày càng nhiều. Công ty của ông đầu tư các đội xe để giao những món hàng mà họ đặt mua tận Anh, Mỹ ngay tại cửa nhà.
“Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển. Ngày càng nhiều công ty thương mại điện tử tìm nguồn cung tại Việt Nam.
Ngược lại, tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng lên các trang bán hàng nước ngoài đặt hàng và chuyển về nhiều hơn”, ông Daryl Tay nói và khẳng định tầng lớp này hiện tăng mạnh về lượng.
"Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi lối sống rất nhanh và họ ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những khoản mục lớn nhằm mục đích nâng cấp đời sống", bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam từng nhận xét
Theo quan điểm của vị CEO, trung lưu Việt là những người có thu nhập mỗi tháng từ 15 triệu đồng trở lên. Với tiêu chí này thì đến 2020, dự báo cả nước sẽ có 44 triệu người trung lưu.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ), “tầng lớp trung lưu và giàu có” của Việt Nam là những người có thu nhập trung bình 714 USD mỗi tháng trở lên.
Nghiên cứu của Brookings Institute cho biết, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2015 là hơn 14% mỗi năm. Ước tính, giai đoạn 2016 – 2020, con số này tiếp tục tăng thêm khoảng 4 điểm phần trăm, tương đương hơn 18% mỗi năm.
So với các nước Đông Nam Á thì tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt đang thuộc hàng cao nhất. Ví dụ, giai đoạn 2016 – 2020, tầng lớp trung lưu ở Malaysia và Thái Lan tăng thêm hơn 4%, Indonesia tăng thêm gần 12%, còn Singapore chỉ tăng thêm khoảng 3% mỗi năm.
Năm 2015, tổng mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu toàn cầu là 34.800 tỷ USD. Brookings Institute dự báo, đến 2030, con số này sẽ tăng gần gấp đôi.
“Đến 2030, mức tiêu dùng trung lưu toàn cầu có thể tăng thêm 29.000 tỷ USD so với năm 2015. Các quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình hôm nay như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ tạo ra một thị trường với tổng tiêu thụ tăng thêm 15.000 tỷ USD so với hiện tại”, chuyên gia Homi Kharas của đơn vị nghiên cứu dự báo.
Không chỉ gia tăng về số lượng, sự thay đổi về quan điểm tiền bạc và chi tiêu của giới trung lưu cũng là điểm hấp dẫn. Điều này tạo ra sự thay đổi trong nhiều ngành, từ thực phẩm đến ngân hàng.
"Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi lối sống rất nhanh và họ ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những khoản mục lớn nhằm mục đích nâng cấp đời sống", bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam từng nhận xét nhân dịp người Việt Nam không còn giữ danh hiệu tiết kiệm nhất thế giới.
Theo báo cáo của Nielsen, tỷ lệ người dân để dành tiền vào tiết kiệm quý II/2017 giảm hơn 13% so với quý trước và xếp sau Thái Lan, Singapore, Indonesia.
Trong một cuộc gặp gỡ báo giới gần đây, ông Alexandre Bouchot - Tham tán nông nghiệp thuộc Đại sứ quán Pháp cho biết giai đoạn 2015 – 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Pháp vào Việt Nam tăng 25%.
“Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài ngày càng nhiều nên chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Đây là một quốc gia mới nổi với tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo và có nhu cầu thực phẩm chất lượng đang tăng cao”, vị tham tán phấn khởi nói.
Còn theo dự báo PwC Việt Nam, tầng lớp trung lưu trong nước đang tăng trưởng nhanh, điều này sẽ đẩy mạnh nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng phức tạp hơn, như bảo hiểm qua ngân hàng và quản lý tài sản. Cùng với đó, thanh toán không tiền mặt sẽ có cơ hội phát triển.
“Việc chuyển từ thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt là xu hướng tất yếu. Chúng ta thấy nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang chuyển trọng tâm kinh doanh sang ngân hàng bán lẻ nhờ khả năng chi tiêu của người trẻ tăng.
Cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật phát triển tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ nền kinh tế tiền mặt sang kinh tế không tiền mặt”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định.