Bỏ lại phiên giao dịch sôi động hôm qua, thị trường nhanh chóng quay trở lại trạng thái ảm đạm, bảng điện tử phân hóa mạnh, nhưng thanh khoản thấp, dòng tiền yếu và không rõ xu hướng.
Chỉ số VN-Index sau phiên sáng giảm nhẹ đã tiếp diễn trạng thái giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trong phiên chiều và kéo dài cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 187 mã tăng và 226 mã giảm, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,09%), xuống 1.272,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 595,2 triệu đơn vị, giá trị 13.712 tỷ đồng, giảm 27% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 93,1 triệu đơn vị, giá trị 3.071 tỷ đồng.
Trong các bluechip, bộ ba cổ phiếu ngân hàng STB, MBB, VIB nổi bật khi khớp lệnh dẫn đầu trong rổ VN30. Thậm chí, VIB và MBB còn vươn lên là hai mã thanh khoản cao nhất sàn.
Theo đó, VIB +2,9% lên 19.750 đồng, khớp 21,8 triệu đơn vị, cổ phiếu MBB +1,8% lên 24.850 đồng, khớp gần 20 triệu đơn vị, STB tăng 2,3% lên 37.050 đồng, khớp 16,4 triệu đơn vị.
Phần còn lại của nhóm bluechip đều ít thay đổi, với SSB giảm sâu nhất, nhưng cũng chỉ để mất hơn 2% xuống 16.900 đồng.
Cổ phiếu VNM trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2 năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% đã giảm nhẹ 0,2% xuống 63.800 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ đã nổi sóng từ sớm đã không nhiều thay đổi vào cuối ngày, với những cái tên như PGV, TDH, TMT, BMC, HPX, HVX tăng kịch trần. Nhưng về cuối ngày có thêm LGL, FCM, KHP khi cũng chạm giá trần. Trong đó, HPX dẫn đầu về thanh khoản khi khớp hơn 7,3 triệu đơn vị.
Tăng mạnh khác với điểm nhấn vẫn chiếm đa số ở những cổ phiếu bất động sản, xây dựng như FCN +6,6% lên 14.450 đồng, CIG +6,4% lên 8.420 đồng, SCR +5,7% lên 5.970 đồng, BCE +5,5% lên 7.950 đồng, ITC +5,5% lên 11.400 đồng, HQC +5,1% lên 3.300 đồng…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu YEG chấm dứt chuỗi 7 phiên liên tiếp tăng trần bằng phiên lao dốc và giảm sàn hôm nay khi lực bán chốt lời ồ ạt diễn ra. Đóng cửa, cổ phiếu YEG -6,9% xuống 21.600 đồng, khớp hơn 6,6 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 4,9 triệu đơn vị.
Giảm đáng kể khác vẫn là APG -5,7% xuống 6.760 đồng, khớp 5,22 triệu đơn vị và DAH -4,3% xuống 3.560 đồng, khớp 0,65 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng ít thay đổi trong phiên chiều và đóng cửa tăng điểm nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,04%), lên 229,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,6 triệu đơn vị, giá trị 676,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 30,6 triệu đơn vị, giá trị 476 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là 16,7 triệu cổ phiếu SHS, trị giá hơn 198,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn, thanh khoản cao đa số đảo chiều giảm, dù mức giảm chỉ ở mức thấp như SHS, PVS, TNG, MBS, IDC, HUT, trong khi CEO, NVB, NTP lùi về tham chiếu.
Các cổ phiếu nhỏ bật lên với DDG, GKM, BNA, VTV, L14 tăng kịch trần, khớp 0,57 triệu đến hơn 1,77 triệu đơn vị.
Đáng chú ý hơn cả là cổ phiếu KSV khi có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp lên 130.300 đồng, dù chỉ khớp gần 43.000 đơn vị. Thanh khoản mã này thấp cũng không quá khó hiểu khi cơ cấu cổ đông quá cô đặc, với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đang nắm giữ hơn 196,11 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 98,06%.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lùi về dưới tham chiếu ngay khi giao dịch phiên chiều trở lại, nhưng mức giảm cũng nhanh chóng chững lại và chỉ số này đi ngang cho đến cuối ngày.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,19%), xuống 94,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 43 triệu đơn vị, giá trị 556,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,5 triệu đơn vị, giá trị 407,6 tỷ đồng.
Cũng như cuối phiên sáng, khi một số ít cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều bật lên, với HBC +6,4% lên 6.600 đồng, khớp lệnh dẫn đầu với hơn 5,4 triệu đơn vị. Theo sau là BCR, AAH, BSR khi có từ 2,9 triệu đến 5,2 triệu đơn vị, trong đó, AAH, BCR tăng trên dưới 5%, BSR nhích nhẹ 1,4%.
Cổ phiếu PSB nằm trong số những mã tăng tốt nhất, chạm giá trần +13,6% lên 6.700 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2501 tăng nhẹ 0,6 điểm, tương đương +0,04% lên 1.350,7 điểm, khớp hơn 114.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế khá lớn trong số các mã hút giao dịch nhất. Nhưng mã khớp lệnh tốt nhất lại giảm, theo đó, CMWG2405 với 3,28 triệu đơn vị đã giảm hơn 11% xuống 1.200 đồng. Theo sau là CMBB2407 với 3,08 triệu đơn vị và tăng 4,1% lên 1.530 đồng/cq.