Cuộc họp về đóng băng sản lượng tại Doha ngày 17/4 giữa 16 nước sản xuất dầu mỏ đã kết thúc, mà không đạt được thỏa thuận nào, do không giành được sự đồng thuận của Iran và Arập Xê-út. Hai quốc gia này thậm chí còn tuyên bố, sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô, nếu thấy có nhu cầu.
Giá dầu WTI lập tức sụt giảm từ mức 43,25 USD/thùng xuống gần 39 USD/thùng, khi giới đầu cơ dầu thất vọng với kết quả đàm phán nói trên.
Trên TTCK Việt Nam, chỉ số VN-Index sụt giảm 2% trong phiên giao dịch đầu tuần (18/4), từ vùng kháng cự 580 điểm xuống dưới ngưỡng 570 điểm, khi các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD… giảm giá mạnh.
Không chỉ vậy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VNM, VIC, BVH… cũng giảm giá, kéo theo tâm lý bán ra của không ít cổ phiếu đầu cơ như MHC, C32, CTD, TCM… Các tín hiệu ngắn hạn của thị trường theo đó dịch chuyển theo hướng tiêu cực.
Tuy nhiên, ngay sau đó, một số thông tin mới đã xuất hiện, chặn lại đà giảm của giá dầu. Trước hết, cứu tinh của giá dầu xuất phát từ cuộc đình công tại Cô-oét, quốc gia thành viên lớn thứ tư của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khiến sản lượng sản xuất dầu của nước này giảm 60% kể từ khi diễn ra đình công vào ngày 17/4, xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày. Giá dầu WTI nhờ đó hồi phục từ vùng 39 USD/thùng lên 42 USD/thùng.
Đặc biệt, giá dầu đã bật tăng mạnh vào ngày hôm qua (21/4), thiết lập đỉnh mới trong năm 2016 tại 44,3 USD/thùng, sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, sản lượng dầu nội địa lao dốc 6 tuần liên tiếp. Trong bối cảnh đó, sắc xanh đã bao phủ trên TTCK Mỹ, giúp chỉ số công nghiệp DJI thiết lập mức điểm cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Diễn biến nêu trên đã thổi một luồng sinh khí mới cho TTCK trong nước. Lực cầu giá cao mạnh dạn quay trở lại đối với các cổ phiếu chủ chốt trong ngày 21/4 như PVD, GAS, BVH, VIC…, giúp VN-Index quay trở lại phía trên ngưỡng 570 điểm.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao, khi mà sự phân hóa vẫn đang diễn ra, cùng với thanh khoản có xu hướng giảm sút. Do đó, tín hiệu ngắn hạn của thị trường quay trở lại mức trung tính.
Như vậy, một kịch bản tích cực khá bất ngờ của giá dầu thô đã giúp cho chỉ số sàn HOSE tránh được một nhịp giảm điểm mạnh, sau khi các nỗ lực chinh phục ngưỡng 580 điểm thất bại trong tuần trước. Bên cạnh đó, động thái mua ròng khá bền bỉ của các nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên gần đây đã tiếp thêm động lực cho sự hồi phục của thị trường.
Tính từ đầu tuần, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 206,4 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung vào các cổ phiếu có khả năng dẫn dắt chỉ số như BVH, VCB, HPG, SSI. Các tín hiệu kỹ thuật nhờ đó trở nên tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận nhịp điều chỉnh của VN-Index đã kết thúc.
Ngưỡng kháng cự của đường MA200 tại 580 điểm vẫn đang thách thức đà tăng điểm của thị trường. Với nền tảng thanh khoản yếu như hiện tại, nhiều khả năng VN-Index sẽ cần có thêm những phiên củng cố trong vùng 570 - 580 điểm để tích lũy thanh khoản, trước khi có thể chinh phục thành công ngưỡng cản quan trọng này, quay trở lại thị trường giá lên.