Tình trạng “con nợ” chây ỳ không chịu trả nợ, phản ứng tiêu cực khi bị thu hồi tàn sản, kể cả khi đã có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án diễn ra nhiều năm nay. Thậm chí, những con nợ này còn tự biến mình thành như thể nạn nhân trước dư luận và các cơ quan nhà nước, truyền thông, báo chí để cản trở việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng.
Điều này còn tiếp diễn sẽ càng khiến tiến trình xử lý nợ xấu thêm ì ạch, làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế…
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính từ năm 2013 đến tháng 10/2016, VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. VAMC cũng đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức, nhưng tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế. Việc bán tài sản bảo đảm bao gồm phát mại tài sản bảo đảm, thi hành án để thu hồi nợ chỉ mới đạt 10.990 tỷ chiếm tỷ lệ 28,9%.
“Việc bán tài sản kể cả cưỡng chế thi hành án để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn nếu khách hàng không đồng thuận và không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm”, ông Hùng cho biết.
Trong phần kết luận buổi làm việc ngày 1/12 tại Trụ sở Chính phủ với đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều coi nhiệm vụ xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội.
Hơn thế, câu chuyện về các con nợ dù được ngân hàng hỗ trợ bằng nhiều cách, nhưng vẫn không thể trả được nợ, buộc phải bàn giao tài sản bảo đảm nhưng vẫn tìm đủ mọi cách gây khó khăn, thậm chí là gây rối, cản trở ngân hàng trong việc sử dụng tài sản bảo đảm không phải là hiếm. Một trường hợp điển hình gần đây, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) chia sẻ về một khách hàng là Công ty cổ phần Đầu tư ATS.
Năm 2011, công ty này vay vốn của VPBank và sử dụng tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ (số 6 Nguyễn Thái Học), phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội cùng 8 tài sản khác để bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ tại VPBank. Tuy nhiên, sau khi vay vốn, Công ty ATS không trả được đầy đủ, đúng hạn cho VPBank theo các Hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Trong suốt nhiều năm kể từ khi khoản nợ phát sinh quá hạn, VPBank đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty ATS chủ động bán tài sản, huy động các nguồn tiền để trả nợ, đặc biệt, Hội đồng xử lý nợ VPBank đã xem xét và phê duyệt miễn giảm cho Công ty ATS hàng trăm tỷ đồng tiền phạt cọc và tiền lãi phát sinh trong 04 năm sử dụng vốn, chỉ yêu cầu Công ty ATS thanh toán nợ gốc và một phần nhỏ tiền nợ lãi.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, trọng tài viên VIAC nêu quan điểm, nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. Thủ phạm chính của nợ xấu là doanh nghiệp. Nạn nhân chính của nợ xấu là ngân hàng. Nhưng pháp luật và thái độ của xã hội lâu nay đang nghiêng về phía bảo vệ con nợ (khách nợ), người gây ra nợ xấu, vi phạm cam kết, chây ỳ trả nợ.
“Để công bằng hơn trong nền kinh tế thị trường, thì cần phải bảo vệ chủ nợ, người cho vay, người gửi tiền vào ngân hàng, chủ sở hữu tài sản hợp pháp của nợ xấu”, luật sư Đức nói.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, thực tế hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang nỗ lực triển khai Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013, thì một số doanh nghiệp như Công ty ATS đang lợi dụng chính sách của Nhà nước về ưu đãi doanh nghiệp để cố tình chây ỳ, không thanh toán nợ xấu mặc dù vẫn có điều kiện trả nợ, gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại không chỉ là đối với các thành viên trong hệ thống ngân hàng, cơ quan quản lý mà còn cả nền kinh tế.
“Tổng dư nợ của các ngân hàng hơn 5,3 triệu tỷ đồng với nợ xấu ước tính khoảng 10% rõ ràng món tiền là rất lớn. Trong khi đó, tiền các ngân hàng cho doanh nghiệp vay là từ nguồn tiền lấy của dân chúng trong nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp chây ỳ, không trả nợ, nghĩa là thiệt hại đối với dân chúng, ngân hàng; NHNN ì ạch trong việc tiến hành Đề án Xử lý nợ của Chính phủ và cuối cùng là cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, không trả nợ, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu cần phải nhanh chóng phải chấm dứt và bắt đầu bằng việc điều chỉnh từ khâu pháp luật tạo nhiều quyền hơn, rộng hơn đối với bên cho vay tiền”, TS. Hiếu nói.
Theo thông tin mới nhất, sau nhiều năm đàm phán và theo đuổi vụ kiện đòi nợ Công ty ATS, VPBank mới hoàn tất việc sang tên tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ trên cơ sở bản án của tòa và biên bản bàn giao của Công ty ATS.
Sáng ngày 26/11, Công ty Vinaconex 2 (nhà thầu thi công) đã bàn giao hồ sơ và hạng mục thi công liên quan đến tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ cho VPBank sau khi VPBank và Vinaconex 2 đạt được thỏa thuận về việc VPBank sẽ thanh toán thay chủ đầu tư cũ ATS số tiền mà ATS còn nợ Vinaconex 2. Việc bàn giao đã được thông báo trước cho chính quyền và quá trình tiến hành có sự chứng kiến của công an phường Điện Biên.