Còn nhiều cơ hội ở nhóm ngành năng lượng và nông sản

Còn nhiều cơ hội ở nhóm ngành năng lượng và nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại, tâm điểm của hàng hoá vẫn là giá năng lượng và mặt hàng nông sản. Vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào 2 nhóm ngành này là rất cao.

Ngày 2/6, Báo Đầu tư Chứng khoán đã tổ chức buổi Talkshow CHỌN DANH MỤC kỳ 6 với chủ đề “Tìm cơ hội khi giá hàng hóa leo thang” với sự tham gia của ông Dương Đức Quang - Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và ông Trần Thăng Long - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).

Thông tin thế giới tích cực nhất có lẽ từ Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn Thượng Hải sau một đợt phong toả kéo dài 3 tháng, trong khi thị trường Mỹ đang chờ đợi các số liệu về tiêu dùng và lạm phát tháng 5. Giá dầu Brent sau khi chinh phục thành công kháng cự 115 USD, đang trên đà tiếp tục tăng. Đây có lẽ là một trong những chất xúc tác quan trọng khiến nhóm cổ phiếu dầu khí toả sáng.

Trao đổi tại Talkshow, ông Dương Đức Quang cho biết, theo thống kê của MXV, từ năm 2020, bộ chỉ số MXV-Index lấy mốc từ 1.000 điểm hiện tại đã tăng lên 3.000 điểm và riêng chỉ số MXV về năng lượng là 5.700 điểm. Nguyên nhân do khi bộ chỉ số này ra đời, giá dầu mới đang ở mức khoảng 20 USD, nhưng hiện tại đã đạt trên 100 USD.

Đánh giá về mức độ tác động của giá dầu đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực liên quan, ông Trần Thăng Long nhận định, giá dầu tăng có khả năng lan tỏa đến nhiều loại hàng hóa với tỷ lệ khác nhau. Với những ngành không nhập trực tiếp năng lượng mà chỉ liên quan đến logistics như tiêu dùng, thủy sản... thì không ảnh hưởng trực tiếp. Một số ngành như phân bón, hóa chất còn được hưởng lợi.

Mặt khác, sự tác động đến mỗi ngành còn có một độ trễ nhất định. Ông Long ví dụ, khi giá dầu tăng, giá phân bón tăng, người nông dân mua về để bón cho cây trồng thực phẩm, thực phẩm đó lại nuôi gia súc, khi trở thành sản phẩm sẽ không có khoảng thời gian nhất định. Khi giá dầu tăng lên, các loại hàng hóa sẽ cảm nhận thấy sức nóng của nó.

Các khách mời tham gia Talkshow Chọn danh mục kỳ 6 ngày 2/6: Ông Trần Thăng Long (giữa), Giám đốc Phân tích BSC và ông Dương Đức Quang, phó tổng giám đốc MXV.

Các khách mời tham gia Talkshow Chọn danh mục kỳ 6 ngày 2/6: Ông Trần Thăng Long (giữa), Giám đốc Phân tích BSC và ông Dương Đức Quang, phó tổng giám đốc MXV.

Đối với câu hỏi liệu giá dầu tăng có phần nào đó liên quan đến tác động dòng tiền của nhà đầu tư hay chỉ liên quan đến các yếu tố bên ngoài, ông Quang chia sẻ, dòng tiền đối với giá hàng hoá sẽ có tác động ít hơn so với các kênh khác. Giá hàng hoá sẽ chịu sự tác động mạnh nhất từ nguồn cung và nguồn cầu.

Như trong thời điểm Covid-19, do các nước thực hiện các biện pháp phong toả nghiêm ngặt, nhu cầu về dầu bị gián đoạn đột ngột nhưng nguồn cung vẫn tăng, dẫn đến tình trạng dư thừa, không có chỗ chứa khiến giá dầu giảm. Đến khi các nước mở cửa trở lại, nhu cầu về dầu tăng mạnh, đã đẩy giá dầu tăng cao. Hiện giá dầu vẫn đang neo rất cao và chưa thấy có tín hiệu cho thấy giá dầu sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn, dù OPEC+ vừa quyết định tăng sản lượng từ tháng 7 và tháng 8.

Ông Dương Đức Quang nói thêm, hiện tại tâm điểm của hàng hoá vẫn là giá năng lượng. Theo thống kê, số lượng giao dịch lớn nhất qua Sở giao dịch hàng hoá vẫn là nhóm ngành năng lượng. Chính vì vậy, nhóm ngành này, đặc biệt là dầu thô vẫn là sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư nhất ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, mặt hàng nông sản cũng là mặt hàng được nhà đầu tư đón nhận lớn. Đây là 2 nhóm ngành đang là tâm điểm của trên thị trường hàng hoá vì đây là 2 mặt hàng thiết yếu, một là năng lượng hai là lương thực thực phẩm. Vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào 2 nhóm ngành này là rất cao.

Đánh giá về thị trường chứng khoán giai đoạn này, ông Trần Thăng Long cho biết, VN-Index đã tăng từ khoảng 660 điểm lên hơn 1.500 điểm từ năm 2020. Vì không có gì là tăng mãi, nên phải có thời gian để thị trường điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu liên quan đến năng lượng, hàng hóa, không phải nhóm thanh khoản tốt nhất của thị trường, nên khi thị trường mức độ thanh khoản suy giảm sẽ không ảnh hưởng đến nhiều nhóm này.

Do đó, ông Long khuyến nghị nhà đầu tư có thể quan tâm đến một số nhóm được hưởng lợi từ nhu cầu thị trường như: hóa chất, phân bón, cao su, lương thực thực phẩm, thủy sản… đặc biệt là 3 mã đầu ngành đó.

“Giai đoạn này thị trường đang hạ nhiệt, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Với các cổ phiếu nằm trong top đầu, mức độ ổn định sẽ tốt hơn, nên khi thị trường hồi trở lại, mức độ quản trị rủi ro sẽ tốt hơn”, ông Long khẳng định.

Khi đề cập đến nhóm ngành thép, ông Trần Thăng Long khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát top 3 mã đầu tiên ngành này. Bên cạnh HPG có NKG, HSG cũng nên đặt trong vòng quan sát. Ngành thép có tính chu kỳ cao, nên khi quay ngược tăng cũng rất nhanh nên nhà đầu tư nếu không đặt sẵn các doanh nghiệp này trong list của mình để theo dõi thì thì có thể sẽ lỡ mất nhịp.

Tin bài liên quan