Đó là những thông điệp được đưa ra trong Hội thảo thường niên ngành ngân hàng do EY Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Xu hướng quản trị rủi ro mới
Tư duy lại về quản trị rủi ro là kết quả của cuộc khảo sát các ngân hàng lần thứ sáu do EY Global thực hiện cùng với Viện Tài chính Quốc tế (IIF), với sự tham gia của các giám đốc bộ phận quản lý rủi ro và các nhà quản lý cao cấp đến từ 51 ngân hàng trên 29 quốc gia vừa được công bố cuối tuần trước cho thấy, một xu hướng quản trị rủi ro của các ngân hàng trên toàn cầu cũng như tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc EY, 10 năm trước, khi nói về rủi ro, các ngân hàng chỉ nói đến rủi ro tín dụng, cho vay có lấy lại được tiền hay không, nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007 - 2013, với sự sụp đổ của nhiều tổ chức tài chính lớn, khi 15 ngân hàng lớn nhất toàn cầu đã phải chi phí khoảng 270 tỷ USD do những tổn thất liên quan tới hành vi xấu của con người, đã buộc ngành ngân hàng phải đề cập đến văn hóa rủi ro.
Đối với ngân hàng, con người và văn hóa của con người, của tổ chức là rủi ro và phải được quản lý tốt nhất. Do đó, 75% ngân hàng trả lời khảo sát cho biết, đang trong tiến trình thay đổi văn hóa, so với con số 66% của năm ngoái.
Bên cạnh đó, là câu chuyện về khẩu vị rủi ro. Trong hoạt động tài chính tiền tệ, nếu ngân hàng không chấp nhận rủi ro thì khó có thể kinh doanh, nhưng nếu có quá nhiều rủi ro, ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, do vậy cần một sự cân bằng.
Theo ông Keith, đây là quá trình mà HĐQT, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ phải chấp nhận một mức độ rủi ro nào đó và làm sao để truyền tải được khẩu vị rủi ro đến từng nhân viên trong toàn hệ thống.
Khảo sát của EY cho thấy, hơn một nửa các định chế tài chính chưa hoàn toàn liên kết quyết định kinh doanh với khẩu vị rủi ro. Liên quan đến cấu trúc quản trị rủi ro, các mối quan tâm chính của HĐQT là rủi ro tuân thủ chiếm 57% và khẩu vị rủi ro chiếm 47%. 50% số định chế tài chính được hỏi đã đưa những chuyên gia có kinh nghiệm quản lý rủi ro vào HĐQT.
Những con số biết nói
Kết quả khảo sát về gian lận 2015 khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 200 đối tượng tham gia trả lời phỏng vấn thuộc ngành dịch vụ tài chính tại 14 lãnh thổ trong khu vực cho thấy, 56% không sẵn lòng làm việc cho một tổ chức có liên quan đến một vụ hối lộ lớn/sẽ tìm kiếm cơ hội ở nơi khác và 24% chắc chắn sẽ rời khỏi tổ chức. 62% người trả lời phỏng vấn cho biết, hối lộ/tham nhũng diễn ra một cách rộng rãi.
Trong khi có 63% người được hỏi cho biết tổ chức của họ hỗ trợ người tố giác những hành vi xấu, nhưng vẫn còn 33% ngần ngại đối với việc sử dụng đường dây tố giác do thiếu sự bảo vệ pháp lý và quan ngại về vấn đề bảo mật.
80% cho biết tổ chức của họ có chính sách phòng chống hối lộ và tham nhũng, nhưng chỉ có 66% được đào tạo về chính sách liên quan.
36% đã chứng kiến đồng nghiệp có vấn đề về đạo đức được đề bạt.
68% nhìn nhận việc tăng cường các quy định về chống tham nhũng trong ngành là một trong những thách thức hàng đầu đối với các tổ chức.
52% cho rằng, tham nhũng tăng lên là do những thời điểm kinh tế khó khăn và cạnh tranh tăng.
26% nghĩ rằng việc sửa đổi báo cáo tài chính để đưa ra kết quả có một triển vọng tốt hơn là chấp nhận được. Cung cấp hoạt động giải trí (44%), quà tặng hoặc dịch vụ cá nhân (43%) và các khoản chi trả bằng tiền mặt (37%) được biện minh là để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Mặc dù 85% người trả lời phỏng vấn cho biết tổ chức của họ có quy tắc đạo đức ứng xử, nhưng cứ 3 người trả lời phỏng vấn thì có 1 người nghĩ rằng, quy tắc này ít có ảnh hưởng đến hành vi của đồng nghiệp của mình và 61% cho rằng quy tắc đạo đức ứng xử nên linh hoạt hơn tùy vào từng khu vực sở tại.
38% nghĩ rằng tổ chức của họ sẽ có rủi ro trở thành nạn nhân của gian lận trong vài năm tới.
Đến lúc phải hành động…
Vậy các ngân hàng trên thế giới đã và đang làm gì để quản trị rủi ro gian lận? Ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, các tổ chức dịch vụ tài chính xây dựng khung quản trị gian lận toàn diện và thường xuyên tiến hành rà soát các rủi ro gian lận cũng như các chốt giám sát gian lận trong tổ chức.
Một số tổ chức tài chính đang trong quá trình đánh giá lại năng lực phát hiện và phòng chống gian lận; trong khi một số khác đang chuyển từ các hệ thống giám sát dựa trên cơ sở báo cáo sang các hệ thống dựa trên cơ sở cảnh báo (từ “phản ứng lại” chuyển sang “chủ động”).
Tại Việt Nam, các ngân hàng vẫn đang trong quá trình tiến hành các thảo luận nhằm mua các giải pháp thống kê; tìm hiểu về các hệ thống giám sát gian lận trực tuyến; cố gắng tự xây dựng các giải pháp phát hiện gian lận…
“Sự chậm chạp cần phải nhanh chóng khắc phục”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng nhìn nhận.
Theo ông Saman, để quản trị rủi ro hiệu quả, các ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng đương đầu với các thách thức: có khung quản trị gian lận toàn diện; có đội ngũ các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống, phát hiện và điều tra gian lận; các cán bộ của ngân hàng đã được cung cấp các khóa đào tạo hiểu biết về gian lận một cách đầy đủ; ngân hàng có thường xuyên đánh giá rủi ro gian lận trong hoạt động của mình và mức độ hiệu quả của các chốt kiểm soát gian lận trong ngân hàng; ngân hàng có năng lực về công nghệ kế toán pháp lý để phát hiện và phòng chống gian lận cũng như có kế hoạch ứng phó gian lận đúng đắn; kênh tố giác của ngân hàng hoạt động có hiệu quả và chính sách tố giác của ngân hàng có được phổ biến rộng rãi đến tất cả các bên liên quan…
Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng, những ngân hàng quá nhỏ, lo “miếng cơm manh áo” đã khó khăn làm sao tập trung được vào đầu tư, tuy nhiên thực tế cho thấy, đầu tư vào con người, công nghệ có tốn kém nhưng lợi nhuận thu về không hề nhỏ.