Ông Tom Herron.

Ông Tom Herron.

Con người, động lực của sự phát triển

(ĐTCK-online) Rõ ràng, Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Những phấn khích ban đầu của việc gia nhập một tổ chức toàn cầu như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tất cả những lợi ích cũng như hệ luỵ mà nó đem lại đã cho thấy Việt Nam đã bị cuốn vào vòng xoáy phức tạp với những biến động lên xuống theo chu kỳ kinh tế và các vấn đề tài chính toàn cầu.

Hiện nay, khi các chỉ số kinh tế dưới giác độ vĩ mô, lạm phát leo thang và sự suy giảm của TTCK được quan tâm, thì một khía cạnh đời thường hơn đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa, đó chính là những người có liên quan phía sau những vấn đề này. Để quản lý doanh nghiệp thành công, điều quan trọng và nên là những con số. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến những con số mà không thấu hiểu về những cá nhân cũng như quá trình ra quyết định và năng lực của họ thì có thể gây ra tác động rất tiêu cực lên bất kỳ kế hoạch tài chính, các chỉ tiêu và quyết định của các bên liên quan.

“Ông Tom Herron hiện là Giám đốc Dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính của công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam . Ông là chuyên viên thẩm định giá với 6 năm kinh nghiệm công tác tại Việt Nam . Ông am hiểu lĩnh vực thẩm định tài chính và hợp nhất/sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam qua việc hỗ trợ khách hàng trong nước và quốc tế”.

 

Sức mạnh nằm trong tay những nhà hoạch định chính sách

Để có một môi trường kinh doanh thuận lợi, trước hết cần có một hệ thống giám sát thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô. Và điều này đòi hỏi phải có những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm, tư duy đổi mới và được đào tạo bài bản. Mặc dù số người có tư tưởng đổi mới và các lãnh đạo được đào tạo bài bản đang ngày càng nhiều thêm, nhưng cũng giống như tình trạng thiếu hụt các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và marketing của khối kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp trong khối kinh tế công cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự do các nhà lãnh đạo chưa có đủ những kinh nghiệm cần thiết để đương đầu với cuộc khủng hoảng kiểu này hay tính chất nghiêm trọng của nó. Kinh nghiệm này chỉ có thể tích lũy được qua thời gian làm trợ lý cho những nhà hoạch định chính sách tiền nhiệm/kế nhiệm trong một hệ thống kinh tế và tài chính tương tự. Tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng, những hệ thống này ngày nay ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với chỉ khoảng mười năm trước đây.

 

Xem xét đội ngũ lãnh đạo

Ban lãnh đạo trong các doanh nghiệp là những nhân vật chủ chốt tiếp theo cần được bàn đến. Công ty của bạn hay công ty bạn dự định đầu tư có những nhân tài với khả năng lãnh đạo phù hợp hay không? Không phải là sáo rỗng khi người ta cho rằng, con người thường là những tài sản quý giá nhất. Tầm quan trọng của con người thể hiện ở tất cả các cấp độ, nhưng rõ ràng nhất là ở cấp độ những nhà lãnh đạo trong HĐQT/Ban giám đốc và các phòng, ban chuyên môn. Để có thể thực hiện đổi mới yêu cầu phải có người tài. Doanh nghiệp thành công cần phải có những nhà hoạch định dài hạn có tầm nhìn xa trông rộng; nắm được những bí quyết sản xuất mới có thể kinh doanh hiệu quả; để thu hút và giữ được khách hàng cần phải có giám đốc marketing giỏi và một kế hoạch marketing tập trung. Và hiển nhiên, các chuyên gia tài chính là nhân tố quyết định, đảm bảo sự thành công về tài chính cho bất kỳ doanh nghiệp nào đang phát triển. Doanh nghiệp không thể thành công nếu thiếu vắng đội ngũ lãnh đạo, quản lý tài năng. 

 

Đánh giá các nhà đầu tư và mối quan hệ với nhà đầu tư là yếu tố then chốt

Đây chính là một quá trình, trong đó ban lãnh đạo doanh nghiệp phải xem xét kỹ lưỡng chất lượng của các nhà đầu tư chiến lược và khả năng đóng góp của họ cho công ty. Liệu nhà đầu tư chiến lược có nguồn vốn nhân lực với kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh và/hoặc tài chính để làm gia tăng giá trị cho công ty? Quá trình phân tích tương tự cũng cần được áp dụng đối với những nhà đầu tư nhỏ. Liệu những nhà đầu tư chiến lược có đầy đủ năng lực và có thể là chỗ dựa cho doanh nghiệp để thuyết phục những nhà đầu tư nhỏ cam kết hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp được không? Tuy nhiên, đây cũng là quy trình hai chiều. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng bố trí đúng nguồn lực con người, công bố thông tin đầy đủ, minh bạch và kịp thời. Sự kết hợp giữa việc chọn lựa một đối tác kinh doanh thích hợp và kiểm soát được việc công bố thông tin sẽ nâng cao giá trị của doanh nghiệp, bởi nó thể hiện hình ảnh về đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp của công ty.

 

Tìm hiểu các chuyên gia cố vấn cho công ty của bạn

Những chuyên gia này có đủ năng lực và trình độ để tư vấn? Quá trình công tác của họ như thế nào? Liệu họ có đáng tin cậy để quản lý khoản tiền 10 tỷ đồng mà bạn đã dành dụm cả đời, khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD hay thay đổi cơ cấu làm ảnh hưởng tới 500 -1.000 nhân viên trong công ty bạn? Hãy đưa ra những câu hỏi sắc bén để đánh giá kiến thức của chuyên gia cố vấn trong các vấn đề chuyên môn và bắt “mạch” thị trường trong nước. Phương thức tiến hành kinh doanh có sự khác nhau giữa các nước và ngay cả cách thức thị trường phản ứng đối với việc thực hiện thay đổi cũng khác nhau. Các yếu tố tâm lý mang tính địa phương và sự thấu hiểu các yếu tố đó có tầm quan trọng sống còn. Chuyên gia cố vấn hiểu biết về Việt Nam và các quy định hiện hành đến mức độ nào? Cụ thể đối với các doanh nghiệp nước ngoài, liệu chuyên gia cố vấn của doanh nghiệp bạn có hiểu rõ phương thức và yêu cầu kinh doanh trên chính đất nước bạn? Những câu hỏi này và câu trả lời đưa ra là những điều cân nhắc quan trọng, bởi thời gian thay đổi và những bất trắc sẽ tạo ra những cơ hội thực sự và cả những cơ hội ảo. Trong số hàng trăm chuyên gia cố vấn trong nước và quốc tế, chỉ có một phần nhỏ là thực sự có khả năng để là một chuyên gia cố vấn đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mà thôi. Tạo được sự thoải mái với các chuyên gia cố vấn trong doanh nghiệp của bạn sẽ tạo ra mối quan hệ cộng tác tin tưởng lẫn nhau và đáng tin cậy cho phép bạn tập trung vào các vấn đề chiến lược.

 

Đào tạo các nhà đầu tư trong nước

Nhà đầu tư trong nước là nguồn chủ đạo cung cấp vốn cho sự phát triển bền vững. Thật đáng tiếc khi đại bộ phận nhà đầu tư trong nước hiện nay chưa được đào tạo nhiều và phần lớn chỉ theo bản năng và tin đồn để đưa ra các quyết định tài chính, điều này gây ra tính bất ổn và thiếu hiệu quả của thị trường. Hiện tại, nhu cầu đào tạo hướng đến mục tiêu cụ thể và thực tiễn hơn đang đặt ra đối với giáo dục ở cấp đại học và đào tạo sau đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, cũng như đối với các khóa đào tạo theo yêu cầu chuyên biệt do các chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện ở cấp độ doanh nghiệp. Đội ngũ nhà đầu tư nhỏ lẻ được đào tạo tốt hơn sẽ góp phần hình thành nên hệ thống những công ty đầu tư vững chắc hơn. Tăng cường đào tạo cũng sẽ tạo ra hiệu quả kép, đó là vừa nâng cao niềm tin của công chúng, vừa giảm thiểu đầu tư theo kiểu “bầy đàn”, vốn vẫn đang là xu hướng tại thị trường Việt Nam đến tận thời điểm hiện nay.   

Tối đa hóa hiệu quả đầu tư song song với việc quản trị rủi ro là nền tảng cho thành công trong đầu tư và kinh doanh và những người có năng lực và trình độ phù hợp sẽ thực hiện điều này. Đặt con người vào vị trí quan trọng hàng đầu thể hiện trách nhiệm chung của Chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân. Không một nhóm riêng lẻ nào có thể xử lý hết được vô vàn các yếu tố, vì thế chúng ta cần dựa vào những nhóm khác - những người thông minh, có kinh nghiệm, có khả năng và động lực để thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Quá trình này đòi hỏi phát sinh chi phí, nhưng việc đào tạo, đầu tư và lựa chọn đúng người là cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp trong tương lai. Chính con người sẽ tạo ra thay đổi, chèo lái các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn bất ổn này để đưa Việt Nam tiến lên và thiết lập lại vị thế hàng đầu của đất nước trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.