Còn nghẽn lệnh, còn thiệt hại đến tất cả các chủ thể trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghẽn lệnh sàn HOSE đang ảnh hưởng, gây thiệt hại đến đến tất cả các chủ thể trên thị trường.
Một số công ty chứng khoán tự nguyện sẽ chuyển sàn để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE. Ảnh: Dũng Minh.

Một số công ty chứng khoán tự nguyện sẽ chuyển sàn để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE. Ảnh: Dũng Minh.

Nghẽn lệnh khác với tắc đường

Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Phân tích - Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, một số quỹ của Singapore bán ra trong đợt vừa qua một phần do lo ngại về hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) không thông suốt.

Ông Thành phân tích: “Bản thân các quỹ này có vị thế lớn, trong bối cảnh biến động trên toàn cầu do lo ngại lạm phát thì họ cần chuẩn bị để rút vốn ra kịp thời, nhưng với việc hệ thống giao dịch của mình tắc như thế này thì họ có động thái bán trước. Nếu không có vấn đề tắc hệ thống, khả năng họ sẽ chưa quyết định bán sớm trên thị trường Việt Nam vì triển vọng kinh tế vẫn ổn, thể hiện khi mặt bằng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp tích cực, qua niềm tin nhà đầu tư trong nước vẫn đang mua vào tốt…”.

Ông Lê Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt nhận xét, nghẽn lệnh khác với tắc đường ở chỗ lệnh không vào được, mất luôn cơ hội chứ không phải chờ rồi đường sẽ thông.

Vì thế, công ty chứng khoán không thu được phí lại còn phải đối mặt với nguy cơ bị nhà đầu tư kiện khi lệnh không khớp. Nguồn thu của công ty chứng khoán không chỉ có phí giao dịch, mà còn là phí cho vay ký quỹ (margin) và các dịch vụ khác.

Công ty chứng khoán mất phí đương nhiên Sở giao dịch cũng thất thu và ngân sách mất nguồn thu.

Nếu không bị nghẽn lệnh, thanh khoản khớp lệnh của thị trường có thể đạt trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn mức bình quân 14.000 tỷ đồng/phiên hiện nay. Với mức phí HOSE thu 0,027% giá trị giao dịch từ 2 phía mua và bán, thì mỗi ngày HOSE thất thu 2,84 tỷ đồng phí, với giả định giao dịch trung bình 20.000 tỷ đồng/ngày.

Chuyển sàn giảm tải ngay...

Cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đã có những động thái rõ nét hơn trong việc khắc phục hiện tượng nghẽn lệnh tại HOSE, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả trong ngắn hạn.

Giải pháp có tác động ngay là khuyến khích các công ty niêm yết chuyển sang Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Sau VNIDIRECT, BSC và PAN Group, một số công ty chứng khoán khác đồng tình với việc chuyển sàn để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE.

Ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Agribank cho biết, đây là chủ trương của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Công ty nhất trí với phương án này. Tuy nhiên, việc chuyển sàn phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua, dự kiến cuộc họp sẽ tổ chức trong tháng 4/2021.

Công ty Chứng khoán VietinBank cũng đồng tình với phương án chuyển sàn, nhưng theo điều lệ, Công ty phải chờ Đại hội đồng cổ đông thông qua. Việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản là khả thi, nhưng phần lớn các công ty chứng khoán tổ chức đại hội vào tháng 4 nên Công ty sẽ chờ đại hội phê duyệt nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Các công ty chứng khoán đã chuẩn bị rất kỹ về hệ thống, dịch vụ từ năm ngoái để đón lượng nhà đầu tư mới tăng lên, nhưng đã không đón được cơ hội này như kỳ vọng, bởi vì nghẽn lệnh.

Tuần qua, UBCK đã có cuộc họp với các công ty chứng khoán nhằm bàn các phương án giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh.

Theo lãnh đạo cơ quan này, các công ty chứng khoán vừa là đơn vị trung gian, vừa là các công ty niêm yết nên hiểu về thị trường nhất.

Do vậy, ngoài việc trông chờ vào sự tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề khác thì nhóm công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE xung phong chuyển sàn đầu tiên, ngoại trừ Công ty Chứng khoán SSI đang có cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số VN30. UBCK không “cưỡng ép” chuyển sàn, mà dựa trên sự tự nguyện, hợp sức của các doanh nghiệp.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK nhìn nhận, đây là phương án tạm thời nên về cơ bản các cổ phiếu vẫn niêm yết ở HOSE nhưng được chuyển tạm thời sang giao dịch ở hệ thống của HNX để chia tải giao dịch, giúp chống tắc nghẽn cho HOSE.

Khi hệ thống giao dịch mới được hoàn thiện, các cổ phiếu này sẽ trở về “nhà cũ”. Việc chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX sẽ không làm thay đổi về tiêu chuẩn niêm yết cũng như chất lượng của các cổ phiếu được chuyển. Các cổ đông, nhà đầu tư cũng hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp để cùng tìm hướng xử lý nhanh, hiệu quả nhất.

... Nhưng hàng cũ chưa xuất, hàng mới đã nhập

Trong khi chưa có doanh nghiệp niêm yết chuyển đi thì HOSE vẫn tiếp nhận thêm thành viên mới. Mới đây, ngày 10/3/2021, Sở đã trao quyết định niêm yết và đưa 15,18 triệu cổ phiếu VCA của Công ty cổ phần Thép VICASA - VNSTEEL vào giao dịch.

Đáng chú ý, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của SeABank theo kế hoạch sẽ niêm yết vào ngày 24/3 tới. Lượng cổ phiếu tự do lưu hành của ngân hàng này hiện chiếm khoảng 45% nên khả năng sẽ có thanh khoản cao, như một ngân hàng quy mô tương đương là OCB có hơn 15 triệu cổ phiếu được khớp lệnh phiên 9/3/2021. Nhiều ngân hàng khác có thanh khoản trên dưới 10 triệu cổ phiếu/phiên.

Trong khi đó, theo thống kê, trong 3 tháng gần đây, khối lượng giao dịch bình quân của nhóm cổ phiếu chứng khoán niêm yết trên HOSE (trừ SSI) đạt hơn 24 triệu đơn vị/phiên, với giá trị giao dịch bình quân 621,7 tỷ đồng/phiên, chiếm từ 4 - 5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Như vậy, lượng hàng mới tăng lên với khối lượng giao dịch có thể tương đương một nửa tổng khối lượng giao dịch của nhóm công ty chứng khoán dự kiến chuyển sàn. Vì thế, để giải pháp giảm tải hệ thống giao dịch đạt hiệu quả thì cần có giải pháp sáng tạo hơn nữa.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM chia sẻ, Công ty đồng tình với việc các thành viên cần chung tay với HOSE để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh, giúp thị trường và nhà đầu tư được giao dịch thông suốt.

Đây cũng là thời điểm cơ quan quản lý sắp xếp lại bảng giao dịch, phân chia bảng cổ phiếu theo giá trị vốn hóa, bởi nhóm cổ phiếu lớn và vừa đang chiếm giá trị giao dịch từ 85 - 90%, còn lại là nhóm cổ phiếu nhỏ.

Tuy nhiên, số lệnh giao dịch đối với nhóm cổ phiếu nhỏ rất lớn. Do vậy, việc chia bảng giao dịch và thực hiện đồng bộ gửi toàn bộ nhóm cổ phiếu nhỏ sang giao dịch tạm thời tại HNX cũng là một hướng xử lý. Nếu vẫn không hết hiện tượng nghẽn lệnh, lúc đó mới tính đến phương án nâng lô giao dịch.

Về việc nâng lô giao dịch, theo ông Giang, không nên làm đồng loạt, mà nên chia cổ phiếu dựa trên thị giá (chốt tại thời điểm cụ thể). Đối với nhóm cổ phiếu có thị giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu có thể nâng lô từ 100 lên 1.000, còn đối với các cổ phiếu có thị giá cao hơn thì giữ nguyên lô 100.

Các giải pháp giảm tải cho sàn HOSE trong lúc chờ đợi giải pháp về công nghệ của FPT vẫn đang rất cần được thảo luận công khai để giúp cho Tổ công tác xử lý nghẽn lệnh của Bộ Tài chính có thêm nguồn thông tin tham khảo nhằm đưa ra giải pháp phù hợp nhất.

Tin bài liên quan