Nhiều cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng phản ánh gặp khó trong việc nhận bồi thường bảo hiểm

Nhiều cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng phản ánh gặp khó trong việc nhận bồi thường bảo hiểm

Còn “lăn tăn” về bảo hiểm bắt buộc nghề công chứng viên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên thuộc diện bắt buộc phải mua, thế nhưng đâu đó vẫn còn “lăn tăn” về là loại hình bảo hiểm này.

Công chứng viên phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Luật Công chứng 2024 đã chính thức được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong đó quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Theo đó, tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Thực tế, không phải đến nay, mà từ 10 năm trước, Luật Công chứng năm 2014 đã quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Ba Lan, Trung Quốc… đều có quy định về việc mua bảo hiểm cho công chứng viên. Dù vậy, vẫn có những quan điểm trái chiều xung quanh quy định này.

Trước đó, tại thời điểm lấy ý kiến về dự thảo Luật Công chứng năm 2024 (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đề nghị không coi đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần giữ nguyên quy định này bởi công chứng là dịch vụ công cơ bản, công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng. Quy định này cũng kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của quốc tế.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề cập tới bất cập được Chính phủ nêu về việc thời gian qua các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, đây là bất cập trong tổ chức thực hiện luật, chứ không phải do quy định của luật, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục, nhất là quy định về cơ chế, điều khoản, nguyên tắc bảo hiểm.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nếu là bảo hiểm bắt buộc thì các công ty bảo hiểm bắt buộc phải bán, còn không thì dù Luật Công chứng quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nhưng không có công ty bảo hiểm nào bán thì công chứng viên cũng không được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Do đó, giữ nguyên quy định coi nghề này là bắt buộc phải mua bảo hiểm mới đảm bảo chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên, bảo đảm thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội.

Theo quy định tại Điều 8, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bao gồm 3 loại hình là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, mà không đề cập đến bảo hiểm công chứng viên, nên có ý kiến cho rằng đây không thuộc bảo hiểm bắt buộc.

Tuy nhiên, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 8, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nêu rõ, bảo hiểm bắt buộc còn bao gồm cả các sản phẩm được quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại Khoản 1 điều này (là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội), tức là nếu Luật Công chứng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc thì đây là sản phẩm bảo hiểm buộc phải mua.

Do đó, chuyên gia này đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, cũng như giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong quá trình hành nghề bởi việc công chứng sai sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng. Mục đích của việc thực hiện quy định này là để bảo đảm an toàn cho các giao dịch kinh tế, dân sự, thông qua đó góp phần bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, gián tiếp bảo đảm an toàn xã hội.

“Nút thắt” bồi thường

Trên thực tế, số tiền chi trả bồi thường của các công ty bảo hiểm vẫn tăng theo thời gian. Số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, tính đến 30/11/2024, ước chi trả quyền lợi bảo hiểm của các công ty bảo hiểm tăng 17,13% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 86.368 tỷ đồng.

Dẫu vậy, đâu đó do chất lượng bồi thường bảo hiểm còn hạn chế nên có nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm không chỉ với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, mà còn với một số loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Còn nhớ, trong văn bản kiến nghị vào tháng 7/2024, cử tri tỉnh Lâm Đồng cho rằng, rất ít người dân tham gia được hưởng lợi từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy. Tương tự, cử tri tỉnh Lạng Sơn và một số địa phương khác cũng phản ánh việc giải quyết bồi thường bảo hiểm xe máy còn gặp khó khăn, thủ tục rườm rà và hầu như không được hưởng.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đã sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi thường bảo hiểm. Sau đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được thông qua ngày 27/6/2024 quy định, kể từ ngày 1/1/2025 (thời điểm Luật chính thức có hiệu lực), người tham gia giao thông vẫn phải mang theo giấy Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe giới.

Quay trở lại câu chuyện bảo hiểm bắt buộc nghề công chứng viên, tại tọa đàm về những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn, thi hành một số điều của Luật Công chứng và định hướng xây dựng Nghị định thay thế nghị định này do Bộ Tư pháp tổ chức vào tháng 8/2024, có công chứng viên phản ánh phải đóng ít nhất 3 triệu đồng/năm cho bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nhưng không hiệu quả, khó lấy được tiền từ công ty bảo hiểm.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đều được các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Mức phí mua bảo hiểm từ 3 - 30 triệu đồng/năm, tương đương mức bồi thường từ 0,5 - 3 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Tình, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM cho biết, trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bảo hiểm chi trả bồi thường thiệt hại do công chứng sai. Việc này ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi đến với đơn vị công chứng để trao gửi những hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM cho hay, hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm rối rắm, không rõ trong trường hợp nào được bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm thường quy định, chỉ những chi phí và tổn thất liên quan tới hành động sai sót, bất cẩn của người được bảo hiểm trong quá trình các công việc chuyên môn được quy định trong giấy chứng nhận bảo hiểm/hợp đồng bảo hiểm, với điều kiện đã được công ty bảo hiểm chấp thuận trước bằng văn bản mới được bảo hiểm. Phạm vi bảo hiểm này đã thu hẹp đáng kể so với những thiệt hại về vật chất gây ra do lỗi của công chứng viên trong thời hạn bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1, Điều 20, Nghị định 29/2015/NĐ-CP.

Để đảm bảo quyền lợi cho các bên, theo Luật Công chứng 2024, Chính phủ quy định chi tiết điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Hiện tại, có 12 nhóm nghề có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bao gồm: bác sỹ, luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thẩm định giá viên, kiểm toán viên, kế toán viên, kiến trúc sư, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ, môi giới bảo hiểm phụ trợ bảo hiểm, bộ phận kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ. Trong đó, công chứng là nghề duy nhất bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Tin bài liên quan