Việc nâng cao chất lượng người làm môi giới là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường địa ốc bước vào chu kỳ mới.

Việc nâng cao chất lượng người làm môi giới là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường địa ốc bước vào chu kỳ mới.

“Cơn khát” môi giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Môi giới trở lại với nghề ngày một nhiều sẽ góp phần đẩy mạnh thanh khoản thị trường, giúp cung - cầu gặp nhau dễ dàng hơn.

Khỏa lấp khoảng trống sau suy thoái

Ông Lê Xuân Nga - Tổng giám đốc BHS Property cho biết, hơn 4 tháng trở lại đây, doanh nghiệp này đã tuyển dụng cũng như đào tạo một lực lượng đáng kể các môi giới sale in house để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường sôi động trở lại.

Ngoài tập trung cho mảng cốt lõi là tư vấn phát triển dự án, nghiên cứu, làm concept sản phẩm, chiến lược marketing và kinh doanh giúp các chủ đầu tư, đảm bảo sản phẩm được “gọt giũa” trước khi đưa ra thị trường đúng nhu cầu của khách hàng, BHS Property còn xây dựng thêm bộ phận Bcompass để tổ chức đào tạo đại lý, bán hàng cho cả các dự án do doanh nghiệp phát triển, phân phối và dự án của chủ đầu tư khác có nhu cầu.

Lý giải về điều này, ông Nga cho hay, 5 năm trước BHS Property chưa xây dựng hệ thống sale in house, nhưng thị trường giai đoạn hiện tại cho thấy một phần lớn lực lượng môi giới tập trung cục bộ tại Hà Nội, trong khi nhiều dự án tốt tại các địa phương khác lại thiếu nhân sự bán hàng, kết nối với nhà đầu tư, do đó Bcompass ra đời nhằm khỏa lấp khoảng trống này, góp phần làm tăng thanh khoản thị trường, hỗ trợ các chủ đầu tư ra hàng thuận lợi.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, khi niềm tin của nhà đầu tư có sự cải thiện hơn trước, các chủ đầu tư và đơn vị môi giới đang tích cực hoàn tất các khâu chuẩn bị, hoàn thiện nội lực để bước vào giai đoạn mới của thị trường.

Đặc biệt, các đơn vị môi giới đang đẩy mạnh tập trung đào tạo, tuyển dụng nhân sự đủ điều kiện hành nghề theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Các môi giới cá nhân cũng khẩn trương thi lấy chứng chỉ môi giới và tìm doanh nghiệp môi giới phù hợp để ứng tuyển làm việc. Các doanh nghiệp môi giới cũng đang tích cực kết nối, hợp tác với nhiều chủ đầu tư, đơn vị phân phối khác để tăng nguồn cung sản phẩm và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

“Yêu lại từ đầu”…

Theo ghi nhận thực tế, nhiều môi giới từng rời bỏ thị trường trong giai đoạn bất động sản suy thoái hiện đang rậm rịch quay trở lại. Việc một số phân khúc có diễn biến sôi động đã củng cố niềm tin của người làm nghề, đặc biệt là phân khúc nhà ở.

Anh Tuấn - một môi giới từng có 3 năm “biệt phái” sang lĩnh vực khác - bán cây cảnh, bon sai cho các khách hàng lớn cho biết, đã chính thức trở lại với nghề từ tháng 4/2024 và đang làm chính cho một sàn giao dịch có trụ sở trên phố Đào Duy Anh (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), ngoài ra nhận thêm các bảng hàng của chủ đầu tư khác để có thêm thu nhập.

“Ngoài giỏ hàng căn hộ được phân giao, tôi còn tham gia nhiều ở mảng thổ cư và cũng có được một vài giao dịch từ khi trở lại thị trường. Việc phân khúc căn hộ nóng sốt trở lại, cùng với nhu cầu thường trực tại thị trường thứ cấp ở phân khúc thổ cư đang mang lại nguồn thu khá ổn định, có lẽ thị trường sắp trở lại giai đoạn bình thường trước dịch”, môi giới này nói.

Tương tự, anh Hùng - một môi giới đang đầu quân cho đơn vị phân phối có trụ sở ở phố Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, đã làm việc tại đây được gần 1 năm. Doanh nghiệp này chủ yếu phân phối căn hộ cho 2 đại dự án khu Tây và khu Đông của Hà Nội. Ngoài ra, phân khúc thổ cư (chủ yếu là nhà ở trong dân) cũng được đẩy mạnh.

Theo môi giới này, các nhân viên sẽ được công ty phân bảng hàng theo khu vực và ngoài làm nhiệm vụ bán hàng, những môi giới như anh sẽ có thêm một nghiệp vụ nữa là thu thập dữ liệu nhà ở rao bán cho công ty, mỗi thương vụ “cấp tin” và giao dịch thành công sẽ được hưởng thù lao nhất định.

“Dù chính sách chi trả hoa hồng cho các sản phẩm căn hộ khá tốt, nhưng với việc cung cấp dữ liệu khách hàng, những nhân viên như tôi sẽ khó kiểm soát được nguồn hàng mình đưa về đã được bán hay chưa và ai bán, nên để nhận được thù lao từ việc này là không dễ. Bởi vậy, tôi thường ‘tự làm tự ăn’, tức là ngoài việc bán các căn hộ theo giỏ hàng được phân giao, tôi còn tìm kiếm thêm các nhà ở có nhu cầu chuyển nhượng và hưởng hoa hồng”, anh Hùng nói.

… và đòi hỏi nâng chuẩn

Thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, ước tính có khoảng 40% môi giới quay trở lại ngành so với thời điểm thị trường khó khăn nhất. Trong giai đoạn thị trường suy thoái trước đó, có khoảng 70% môi giới bất động sản đã nghỉ việc, bỏ nghề.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, suốt 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp môi giới gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân sự, thậm chí đóng cửa, kéo theo lượng lớn môi giới bỏ nghề.

Giai đoạn hiện tại, việc thị trường ngày một ấm lên đã thúc đẩy nhiều môi giới quay trở lại. Đây là chỉ báo tích cực cho việc bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ phục hồi.

Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều vấn đề mà ngành môi giới còn tồn tại, đó là nhiều môi giới chưa qua đào tạo, thiếu chứng chỉ hành nghề, trình độ còn hạn chế, hay việc nhiều khi tư vấn sản phẩm còn phóng đại, gây hiểu lầm cho khách hàng, nhà đầu tư. Điều này đặt ra những đòi hỏi cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng người làm môi giới.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Singapore trong việc xây dựng chuẩn môi giới địa ốc, ông Jeff Foo - Viện Nghiên cứu bất động sản Singapore cho hay, hiện quốc gia này có trên 1.000 công ty môi giới, với hơn 12.000 sale hoạt động.

Để trở thành môi giới chuyên nghiệp, người làm nghề phải trải qua 2 khóa đào tạo (và thi đậu) các hoạt động như sale, marketing, nắm bắt tâm lý khách hàng…; phải tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ được tổ chức hàng năm; ngoài ra còn phải mua bảo hiểm bồi hoàn nghề nghiệp (khi bị khách hàng kiện mà môi giới không có tiền chi trả thì phía bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường).

“Ở Singapore, môi giới không có giấy phép hay lừa đảo có thể bị phạt tù tới 3 năm”, ông Jeff Foo nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu Việt Nam muốn làm tương tự sẽ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các doanh nghiệp phải làm việc với các hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo để nâng chuẩn nhân sự.

Tương tự, đại diện Hội Môi giới bất động sản Hàn Quốc cho hay, để làm nghề, các môi giới nước này phải có chứng chỉ, một sale có thể phải học, ôn và thi từ 1-2 năm mới đạt yêu cầu. Tại Hàn Quốc, kỳ thi về môi giới là một trong những kỳ thi khó và có chất lượng thí sinh cao nhất, chỉ sau thi đại học.

Ngoài ra, các môi giới sau khi hành nghề vẫn phải tham gia các khóa đào tạo, tối thiểu 32 giờ/năm và nước này đang hướng tới nâng tiêu chuẩn lên tối thiểu 64 giờ/năm mới được hành nghề.

Tin bài liên quan