“Cơn khát cảnh quan” và cuộc chơi của các kiến trúc sư thế hệ mới

“Cơn khát cảnh quan” và cuộc chơi của các kiến trúc sư thế hệ mới

(ĐTCK) Các dự án “Đô thị xanh” với phần cảnh quan và tiện ích công cộng nếu được đầu tư đúng nghĩa sẽ là chiến lược phát triển lâu dài mang lại thành công cho các nhà đầu tư.

Thế giới đương đại đang bị uy hiếp bởi hình ảnh đô thị màu xám và con người đang mất dần không gian để sống và thở. Vì thế, con người càng khao khát hướng tới chuẩn mực của một đô thị xanh hoàn hảo, tức là hướng tới sự thiết lập mối quan hệ bền vững về sự thân thiện giữa con người và thiên nhiên.

Trên thực tế, có quá nhiều dự án quy hoạch hiện nay đã bỏ qua yếu tố làm đẹp cho không gian đô thị khi đưa ra những kiểu kiến trúc nhàm chán, không tạo được bản sắc riêng, không hài hòa với môi trường xung quanh. Các hình thái tổ chức công viên, quảng trường, vườn hoa cây xanh trong quy hoạch chỉ dừng lại ở mức đủ với các chi tiết thiết kế được làm theo một lối mòn nhất định có sẵn, kém thu hút.

“Cơn khát cảnh quan” và cuộc chơi của các kiến trúc sư thế hệ mới ảnh 1

Trong bối cảnh nhu cầu của những người tiêu dùng trẻ tuổi hiện nay chú trọng nhiều hơn tới chất lượng không gian sống xung quanh thay vì đơn thuần là thiết kế trong một căn hộ, những nhược điểm về thiết kế nêu trên đã vô tình tạo ra những không gian lộn xộn, ít hiệu quả sử dụng, và làm giảm giá trị của toàn bộ không gian đô thị lẫn giá trị của chính dự án đó.

Không những vậy, những nhược điểm về kiến trúc cảnh quan cũng là một phần tác nhân khiến cho môi trường sống bị ảnh hưởng và khó có khả năng chống chọi lại với tình trạng ô nhiễm môi trường do biến đổi khí hậu và tác nhân từ con người gây ra. Trong khi mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m2 cây xanh hoặc 25 m2 thảm cỏ để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống, thì thực tế hiện nay Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người chỉ vào khoảng 2 m2.

Trong một số khu đô thị hiện nay cũng có phần diện tích dành cho cây xanh, nhưng mức độ chỉ ở mức tương đối, nếu không muốn nói là rất thấp khi các chủ đầu tư tận dụng không gian xanh nhằm mục đích tối đa hóa bài toán lợi nhuận kinh doanh của mình. Ngay cả những khu đô thị mới xây dựng gần đây, cũng không ít chủ đầu tư không thể tạo lập được không gian sống gần gũi với thiên nhiên cho người dân sinh sống.

“Cơn khát cảnh quan” và cuộc chơi của các kiến trúc sư thế hệ mới ảnh 2

Trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy, không gian sống gần gũi với thiên nhiên còn đóng vai trò quan trọng như sợi dây kết nối giữa con người với con người, và là liều thuốc giảm những lo âu, căng thẳng, đồng thời tăng cường khả năng nhận thức và cải thiện hiệu suất làm việc, việc từ chối cho phép người dân có thể thụ hưởng cuộc sống cân bằng trong không gian xanh e chừng lại là điều phản tác dụng với bài toán kinh doanh của mình.

Do đó, việc thay đổi nhận thức, tư duy ở tầm chiến lược với không gian xanh là vô cùng quan trọng, bởi lẽ nền tảng văn hóa Việt Nam dù có chuyển đổi sang hình thái phát triển nào thì vẫn luôn hòa quyện với thiên nhiên. Bởi vậy, buộc các nhà kiến trúc sư, nhà xây dựng, nhà sản xuất thiết bị - vật liệu vào một hoàn cảnh mới, cuộc chơi mới với tầm nhìn và tư duy mới gắn với đô thị xanh hay đô thị sinh thái.

Trong xu thế tất yếu của đô thị hóa, sắc xanh của cây cối được đánh giá là yếu tố vô cùng cần thiết. Mấu chốt vấn đề nằm ở định hướng quy hoạch các “khối bê tông cứng nhắc” trở thành bất động sản xanh bền vững. Hiện các nước trên thế giới đều nhận thức rõ và dành sự ưu tiên trong việc định hướng bất động sản xanh ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc quy hoạch, xây dựng các khu đô thị xanh hay khu đô thị thân thiện.

Với mô hình này, không gian xanh là không gian của từng ngôi nhà, từng căn hộ. Ngay cả trong các khu vực mật độ dân cư cao, khoảng không gian cây xanh, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục từng tiểu khu ở vẫn được thiết lập. Sắc xanh vừa giảm nhiệt nắng nóng, tái thiết sự trong lành cho chính khu đô thị lẫn không gian lân cận.

Yêu cầu tối thiểu trong cấu trúc của một đô thị xanh hoàn hảo phải hiện hữu các không gian xanh, mặt nước với tỷ lệ phù hợp, thảm xanh có độ che phủ cao trên 70%. Trong đó, việc thiết kế hệ thống mặt nước, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ cùng lúc phải đảm bảo nhiều yếu tố làm tăng giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cảnh quan, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc, và đặc biệt khi đi trên đường phố không bị các mảng bê tông che chắn, có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, mặt nước, thảm cỏ xanh.

Đô thị sinh thái, đô thị xanh luôn là hướng tiếp cận của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư. Suy cho cùng, dù đô thị được phát triển theo xu hướng nào cũng phải hướng tới đích nâng cao chất lượng sống đô thị và phát triển bền vững.

Để có được những không gian xanh như thế, trước hết, cần có tầm nhìn xa. Với các chủ đầu tư, tất nhiên, khi đầu tư cho hệ thống cảnh quan sẽ phải tính toán rất nhiều về mặt chi phí, thế nhưng, thực tế cho thấy bỏ ra 1 đồng nhưng giá trị 50 năm, 100 năm hoặc thậm chí hơn nữa vòng đời dự án thì mang lại giá trị không thể đo đếm được, đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm, biến đổi khí hậu như hiện nay.

Rõ ràng, thiết kế cảnh quan không phải chỉ tạo nên môi trường sống văn minh, hiện đại cho đô thị mà còn làm gia tăng giá trị (giá bán) của bất động sản. Nó không chỉ giúp chủ đầu tư tạo dựng uy tín và danh tiếng, củng cố niềm tin của khách hàng đối với những dự án tiếp theo tạo chiến lược phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.

Thiết kế cảnh quan đòi hỏi người kiến trúc sư phải có sự tinh tế và tính sáng tạo cực kỳ cao, đồng thời yêu cầu khả năng kết hợp những thông tin kiến thức đa dạng, đa ngành nghề. Từ đó kiến tạo nên một môi trường sống “Xanh sạch - Văn minh - Hiện đại” không chỉ cho thế hệ của chúng ta mà còn cho thế hệ tương lai.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan