Cơn hoảng loạn qua đi, giới đầu tư ồ ạt bắt đáy

Cơn hoảng loạn qua đi, giới đầu tư ồ ạt bắt đáy

(ĐTCK) Sau 2 ngày đầu tuần chìm trong hoảng sợ với lệnh bán tháo như “virus” lây lan khắp chứng khoán toàn cầu, tín hiệu vui đã bắt đầu trở lại với giới đầu tư khi lực cầu bắt đáy chảy mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, giúp phố Wall hồi phục mạnh.

Trong phiên cuối tuần trước và đầu tuần này, giới đầu tư ồ ạt bán tháo, đặc biệt là phiên tháo chạy tồi tệ nhất 6 năm trong ngày thứ Hai đầu tuần mới, đã cuốn bay hết những gì đã có từ đầu năm của Dow Jones và S&P 500.

Lý do bán tháo được giới phân tích cho rằng, là do giới đầu tư lo sợ trước áp lực lạm phát gia tăng, sẽ khiến đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong năm nay.

Chủ tịch UBCK Mỹ Jay Clayton cho biết, ông không thể nói cái gì đã gây ra sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong 2 phiên vừa qua, nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy, thị trường tài chính đang hoạt động bình thường.

Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng, sự biến động gần đây không đủ để đại diện cho nền tảng của thị trường.

Tuy nhiên, sau 2 phiên bán tháo, khi Dow Jones bị đẩy về gần ngưỡng 24.000 điểm và S&P 500 lùi xuống dưới 2.615 điểm khi mở cửa phiên thứ Ba, lực cầu bắt đáy đã ồ ạt được tung vào, giúp phố Wall lấy lại được sự thăng bằng.

Sau chuỗi thời gian giằng co của phiên sáng, tới cuối phiên chiều, lực cầu diễn ra mạnh mẽ đã giúp các chỉ số chính của phố Wall chính thức quay đầu tăng mạnh, tạm thời chấm dứt cơn hoảng loạn trong 2 ngày trước đó.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Dow Jones tăng 567,02 điểm (+2,33%), lên 24.912,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 46,20 điểm (+1,74%), lên 2.695,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 148,36 điểm (+2,13%), lên 7.115,88 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ảnh hưởng từ đợt bán tháo mạnh nhất 6 năm của phố Wall trong phiên đầu tuần, các thị trường này cũng chứng kiến cảnh bán tháo lan rộng, đẩy các chỉ số đồng loạt lao dốc.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 177,04 điểm (-2,41%), xuống 7.157,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 288,61 điểm (-2,27%), xuống 12.398,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 116,83 điểm (-2,21%), xuống 5.169,00 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng bị lây lan “virus” bán tháo, đẩy các chỉ số đồng loạt lao dốc, thậm chí cả chứng khoán Trung Quốc đại lục vốn đi ngược thị trường trong 2 phiên trước cũng không tránh khỏi phiên lao dốc mạnh.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.071,84 điểm (-4,73%), xuống 21.610,24  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.649,80 điểm (-5,12%), xuống 30.595,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 116,84 điểm (-3,35%), xuống 3.370,65 điểm.

Việc đồng USD tiếp tục tăng mạnh và thị trường chứng khoán hồi phục đã khiến vàng hết động lực để đi lên. Trong phiên thứ Ba, giá kim loại quý này quay đầu lao dốc, đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần rưỡi.

Kết thúc phiên 6/2, giá vàng giao ngay giảm 15,3 USD/ounce (-1,14%), xuống 1.323,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 6,9 USD/ounce (-0,52%), xuống 1.326,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 5,1 USD/ounce (-0,38%), xuống 1.331,4 USD/ounce.

Đồng USD tăng mạnh cũng khiến giá dầu thô tiếp tục lao trong phiên thứ Ba với mức giảm hơn 1% với cả 2 loại dầu.  

Kết thúc phiên 6/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,76 USD (-1,18%), xuống 63,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,76 USD (-1,12%), xuống 66,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan