Theo đó, bà Đặng Minh Ngọc, con gái của ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIB vừa cho biết đã mua vào được 2,51 triệu cổ phiếu VIB trên tổng số 3 triệu cổ phiếu đăng ký.
Bà Ngọc cho hay, không thể thực hiện hết giao dịch như đã đăng ký hết do không có đủ thời gian. Giao dịch được diễn ra theo phương thức thỏa thuận, bắt đầu từ ngày 28/10 cho đến 26/11.
Lịch sử giao dịch cổ phiếu VIB cho thấy, ngày 2/11 xuất hiện khối lượng thỏa thuận cổ phiếu VIB bằng đúng số lượng bà Ngọc đăng ký, giá trị giao dịch là hơn 90,3 tỷ đồng, tương đương với mức giá giao dịch trung bình là 36.000 đồng/cổ phiếu.
Trong một tuần cuối trước khi bà Ngọc kết thúc giao dịch, giữa đà "hưng phấn" của nhóm cổ phiếu ngân hàng, giá cổ phiếu VIB đã có sự phục hồi đáng kể, có thời điểm vượt trên mốc 46.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong gần 5 tháng trở lại.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu VIB đã có sự điều chỉnh trong vài phiên gần đây, tạm dừng ở mức 42.200 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/11.
Cách đó không lâu, bà Định Thị Thanh Ký, chị dâu của ông Đặng Văn Sơn, lại bán toàn bộ hơn 3 triệu cổ phiếu VIB, ước thu về gần 115 tỷ đồng từ việc thoái vốn.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, bà Đặng Thị Thu Hà - vợ ông Sơn đã bán ra hơn 8,5 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 18/5 đến ngày 28/5. Sang tháng 6 lại đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu VIB nhưng hết thời gian đăng ký mới mua được hơn 1,7 triệu đơn vị.
VIB vừa công bố việc hủy phương án phát hành tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn điều lệ theo phê duyệt của đại hội đồng cổ đông 2021.
Đây là một trong hai phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua nhằm tăng vốn điều lệ từ 11.094 tỷ đồng lền gần 16.000 tỷ đồng (tăng 43%).
Cụ thể, theo Nghị quyết lấy ý kiến bằng văn bản của công đông về các vấn đề liên quan đến phát hành cổ phiếu VIB vừa công bố, cổ đông đã thông qua hủy phương án phát hành tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 24/3/2021, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua 2 phương án tăng vốn điều lệ. Thứ nhất là tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng, số lượng tối đa gần 44 triệu cổ phiếu. Thứ hai là tăng vốn từ phát hành cổ phiếu số lượng tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu.
Được biết, hồi tháng 8/2021, VIB đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn bằng chia cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ tăng từ 11.094 tỷ đồng lên 15.521 tỷ đồng.
Còn đối với tăng vốn từ chào bán cổ phiếu, xem xét thấy bối cảnh thị trường và nhu cầu kinh doanh của VIB, đề xuất lấy ý kiến của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn từ phát hành tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu bằng phương án phát hành tối đa 155,3 triệu cổ phiếu (10% vốn).
Tuy nhiên, cổ đông chỉ thông qua việc hủy phương án phát hành chào bán tối đa 46,6 triệu cổ phiếu, còn phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành tối đa bằng 10% vốn điều lệ không được chấp thuận do tỷ lệ tán thành chỉ đạt 40,7%.
Về kết quả kinh doanh, tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận hơn 285.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 11%, huy động tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 13%, CASA tăng gần 20%. Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay của ngân hàng.
Tổng thu nhập hoạt động của VIB trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel 2 (CAR) được quản lý ở mức 10,6% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 73%. Chi phí hoạt động trong quý 3 tương đương với quý 2/2021 với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được duy trì ở mức 39%.